Theo hãng tin Reuters, nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, thất nghiệp là người tiếp cận ông Abe, bắn 2 phát súng để ám sát ông khi cựu Thủ tướng Nhật bản đang có bài phát biểu giữa phố đông.
Yamagami tin rằng ông Abe đã khuyến khích một nhóm tôn giáo mà mẹ đối tượng tham gia, đóng góp rất nhiều tiền đến mức vỡ nợ.
Ông Tomihiro Tanaka, Chủ tịch Giáo hội thống nhất chi nhánh Nhật Bản đã trao đổi với báo giới địa phương xác nhận mẹ của Yamagami là một thành viên của nhóm này nhưng không cung cấp tên của bà.
Ông Tanaka từ chối bình luận về số tiền bà mẹ nghi phạm đã đóng góp. Vị Chủ tịch cũng khẳng định, cả ông Abe và nghi phạm ám sát đều không phải là thành viên của tổ chức.
Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi đang bị cảnh sát áp giải đến văn phòng công tố. Ảnh - Reuters
Ông Abe cũng không phải là cố vấn của Giáo hội thống nhất. Tổ chức tôn giáo này sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cảnh sát nếu cần.
Ông Abe từng xuất hiện trong sự kiện do một tổ chức có liên kết với Giáo hội này vào tháng 9 năm ngoái. Tại đó, ông có bài phát biểu ca ngợi công tác của tổ chức liên kết này đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo lời ông Tanaka, mẹ của Yamagami gia nhập Giáo hội từ năm 1998 nhưng không tham gia hoạt động trong thời gian từ 2009-2017.
Khoảng 2-3 năm trước, bà này liên lạc lại với các thành viên trong Giáo hội và nửa năm gần đây bắt đầu tham gia một số sự kiện với tần suất 1 tháng/lần.
Giáo hội Thống nhất được thành lập tại Hàn Quốc vào năm 1954 do ông Sun Myung Moon, một người Hàn Quốc tự nhận là nhân vật cứu thế.
Ông này đã gây sự chú ý của toàn cầu vì tổ chức các sự kiện đám cưới tập thể cho hàng nghìn cặp đôi. Năm 1992, có tới 30.000 cặp đôi đã được ghép thành vợ chồng trong buổi lễ tại sân vận động Jamsil ở Seoul. Tháng 2 năm 2010, thêm 7000 cặp đôi nữa tại Hàn Quốc được ông Moon chủ trì hôn lễ.
Ông Moon đã qua đời vào năm 2012. Trên thế giới, Giáo hội này có khoảng 10 triệu thành viên còn tại Nhật Bản có 600.000 thành viên.
Trong khi đó, tờ Kyodo (Nhật Bản) dẫn một số nguồn tin từ các điều tra viên cho biết, nghi phạm Yamagami đã cho rằng chính ông nội của ông Abe – cựu Thủ tướng Nhật Bản Kishi Nobusuke đưa tổ chức tôn giáo này vào Nhật Bản.
Cảnh sát Nhật Bản nghi ngờ Yamagami nghe theo một số tin tức không đáng tin cậy trên mạng xã hội nên đã chuyển lòng thù hận cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi sang người cháu là ông Abe.
Bên cạnh đó, qua lời khai của Yamagami tại cơ quan điều tra và lời kể của những người quen biết, nhiều chi tiết về cuộc sống của Yamagami dần được hé lộ.
Theo tờ Asahi, Yamagami sống cùng mẹ, anh trai và em gái ở Nara. Cha Yamagami điều hành một công ty xây dựng nhưng đã qua đời khi Yamagami còn nhỏ. Người mẹ tiếp quản công ty nhưng sa đà vào hoạt động của một tổ chức tôn giáo và đã quyên góp số tiền rất lớn cho nhóm này.
Theo lời một người họ hàng, bà Yamagami dường như muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua tổ chức tôn giáo. Ông thường xuyên nhận được điện thoại từ ba đứa trẻ, phàn nàn vì "không có gì để ăn" và đã cho tiền, thỉnh thoảng mang đồ ăn cho các cháu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận