Ông Lê Nguyễn Minh Quang |
Ba năm nữa sẽ có tuyến metro đầu tiên hoạt động
Hiện, người dân TP.HCM rất quan tâm đến tiến độ của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, ông có thể cho biết tiến độ dự án đến nay thế nào?
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản có tổng chiều dài 19,7 km; với 14 ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao) và depot Long Bình tại quận 9.
"Việc phát triển đường sắt đô thị sẽ tạo ra một cơ hội mới trong việc chỉnh trang đô thị với mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD). Khi hạ tầng giao thông phát triển thì chắc chắn các hạ tầng dịch vụ và hoạt động dân sinh sẽ phát triển theo sự xuất hiện của các ga đường sắt đô thị, tạo ra những tác động khác nhau lên khu vực xung quanh ga như hình thành các cao ốc, khu vực kinh doanh dọc tuyến, quảng trường trước nhà ga…" Ông Lê Nguyễn Minh Quang |
Dự án gồm 5 gói thầu chính, khối lượng tổng thể của dự án ước đạt 34%. Cụ thể: Gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố, dài 747m, khởi công ngày 17/11/2016) đang triển khai thi công tường vây, tường dẫn tại khu vực Công viên 23/9. Gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố, dài 1.745m, khởi công ngày 21/8/2014) đã hoàn tất thi công sàn mái, sàn B1, sàn B2 tại ga Nhà hát thành phố. Dự kiến ngày 19/5, Ban Quản lý Đường sắt đô thị sẽ tiến hành khởi động mũi khoan ngầm đầu tiên bằng máy khiên đào TBM tại ga Ba Son cho đoạn ngầm của gói thầu CP1b.
Tại gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot, dài 17,1km, khởi công ngày 24/7/2012) các nhà thầu đã hoàn tất đúc 100% các đốt dầm chữ U; hoàn thành 2/5 cầu đặc biệt là cầu Văn Thánh và cầu Sài Gòn. Hoàn thành tầng sảnh chờ tại 11 nhà ga trên cao.
Gói thầu CP3 (đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng; triển khai từ năm 2013) đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật của 10/11 hệ thống phụ, dự kiến bắt đầu tiến hành lắp đặt ray vào tháng 7. Gói thầu CP4 (Hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và Bảo dưỡng): Triển khai thiết kế kỹ thuật trong năm 2017.
Nhìn chung, tiến độ triển khai thi công của các gói thầu vẫn đảm bảo theo kế hoạch, với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác dự án vào cuối năm 2020.
Khi tàu điện ngầm hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân như thế nào, thưa ông?
Với quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị của thành phố, khi hoàn thành, đường sắt đô thị đảm bảo việc đi lại thuận lợi của người dân bằng tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố. Sau đó, tại nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, người dân sẽ được kết nối bằng các phương tiện trung chuyển khác như: Xe buýt, xe buýt nhanh (BRT)… lan tỏa đến các địa điểm khác của thành phố.
Với tốc độ từ 40 - 60km/h như trên tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km thì chỉ mất khoảng 30 phút (giờ cao điểm cứ 4 phút 30 giây, giờ thấp điểm khoảng 6 phút có một chuyến xuất bến và tàu dừng ở mỗi ga bình quân 30 giây để đón và trả khách), việc đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố hoàn toàn được đảm bảo.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, khi tất cả tuyến đường sắt đô thị đều được kết nối với các tuyến đường chính của thành phố, các trung tâm mua sắm, bến xe, làng đại học, bệnh viện… sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn hành khách đi metro, kích thích các loại hình giao thông khác phát triển theo.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Độc Lập |
Sẽ có hệ thống metro hiện đại trong 10 năm tới
Ngoài tuyến số 1, hiện thành phố đang chuẩn bị xây dựng những tuyến đường sắt nào, thưa ông?
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đường sắt đô thị của Thành phố gồm 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail), có tổng chiều dài khoảng 220km với tổng mức đầu tư gần 25 tỷ USD. Hiện nay, ngoài tuyến metro số 1, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang triển khai các dự án:
Tuyến metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Hiện, đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án. Công tác GPMB sẽ được hoàn tất, đồng thời triển khai đấu thầu các gói thầu chính của dự án (di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đoạn ngầm và cơ điện…) trong năm 2017.
Tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (Ngã 4 Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), đã thu xếp được nguồn vốn đầu tư từ các nhà tài trợ gồm: ADB, KfW, EIB, Chính phủ Tây Ban Nha. Hồ sơ dự án đã được UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2017.
Với các tuyến metro trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chúng tôi đã kêu gọi được từ Chính phủ Hàn Quốc cam kết tài trợ một phần nguồn vốn cho tuyến metro số 5, giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - Ngã 4 Bảy Hiền), cam kết tài trợ cho Tuyến metro số 4b-1 (tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất). Song song đó, chúng tôi hiện đang xúc tiến dự án tuyến metro số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây), dự án đầu tư trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, đoạn kéo dài tuyến metro số 1 đến địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai… với dự kiến nguồn vốn ODA từ Nhật Bản. Chúng tôi cũng đang tiếp tục kêu gọi sự quan tâm đầu tư từ các nhà tài trợ, đối tác đối với các tuyến, đoạn tuyến còn lại.
Trong 10 năm tới, hệ thống tàu điện ngầm sẽ đóng góp như thế nào cho giao thông thành phố?
Trước áp lực tình hình giao thông, việc khẩn trương triển khai các loại hình giao thông công cộng như: Đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT), cải tạo hệ thống xe buýt hiện hữu… càng có ý nghĩa cấp thiết. Theo kế hoạch, nếu thuận lợi, bức tranh hệ thống đường sắt đô thị trong 10 năm tới sẽ dần hình thành với ít nhất 6 tuyến, đoạn tuyến đường sắt đô thị gồm: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): theo hướng Đông Bắc của thành phố. Tuyến metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) theo hướng Tây Bắc. Tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (Ngã 4 Bảy Hiền - cầu Sài Gòn, là tuyến vành khuyên kết nối tuyến số 1 và số 2); Tuyến metro số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành - bến xe Miền Tây) theo hướng Tây Nam của thành phố, nối dài tuyến metro số 1 từ nhà ga Bến Thành; Tuyến metro số 5, giai đoạn 2 (bến xe Cần Giuộc mới - Ngã 4 Bảy Hiền) tiếp nối theo giai đoạn 1; Tuyến metro số 4b-1, là tuyến nhánh nối tuyến metro số 5 giai đoạn 1 với sân bay Tân Sơn Nhất.
Đường sắt đô thị với tư cách là một loại hình thức vận chuyển khối lượng lớn (dự kiến 186.000 hành khách/ngày như đối với tuyến metro số 1) chắc chắn sẽ góp phần giúp người dân thành phố được thụ hưởng phương tiện giao thông công cộng hiện đại, thân thiện môi trường và tiện lợi, giảm ùn tắc giao thông.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận