Mất tín hiệu vẫn được ứng cứu
Một trưa tháng 6/2022, anh Mạc Thành Kiên, Trưởng phòng Điều phối giao thông hàng hải (Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng) cùng các cán bộ trực ban bất ngờ nhận được tín hiệu từ thuyền viên trên tàu Nam Thịnh 126, thông báo đang bị nghiêng tại khu vực Hòn Dáu, không rõ tọa độ. Ngay sau đó, các tín hiệu kết nối bị ngắt. Không ai có thể liên lạc được với tàu bị nạn nữa.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng tham gia chủ trì, phối hợp cứu nạn nhiều vụ việc thành công nhờ hệ thống VTS. Ảnh: Tạ Hải.
"Anh em lập tức kiểm tra thông tin trên hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) để xác định các tàu gần khu vực, phát thông báo qua máy bộ đàm thu phát (VHF) tìm kiếm tàu bị nạn", anh Kiên nhớ lại.
Sau hơn 10 phút, một tàu đang đi ra từ bến Kiền thông báo phát hiện tàu bị nghiêng ở khoảng cách 2 hải lý. Các điều phối viên nhanh chóng đề nghị tàu tiến đến vị trí tàu nghiêng, dùng radar xác định vị trí.
Sau đó, lực lượng trực VTS gọi điện thoại và gọi VHF để điều động các tàu quanh khu vực khẩn trương tham gia phối hợp. Sau khoảng 1 tiếng, 10 thuyền viên của tàu Nam Thịnh 126 đã được ứng cứu.
"Trước đây, đa số các vụ việc chúng tôi chỉ tiếp nhận thông tin qua điện thoại. Thời điểm đó, máy VHF chỉ có 1 - 2 chiếc, công suất phát thấp, không thu nhận được thông tin tại khu vực xa bờ", anh Kiên kể.
Hiện nay, nhờ đầu tư trang thiết bị và công nghệ tốt hơn, qua VHF Hải Phòng, VTS đã có thể thông báo được được cho tất cả các tàu hoạt động trong khu vực. Dữ liệu do hệ thống VTS cung cấp cũng giúp các giám sát viên, điều hành viên xác định được vị trí tàu thuyền để huy động phương tiện gần nhất đến ứng cứu.
Số hóa, tăng cơ hội cứu người
Theo ước tính của các chuyên gia hàng hải, từ vùng gần bờ nhất để tiếp cận tới giữa vùng biển ASEAN mất khoảng 7 - 21 giờ tùy khu vực. Trong thời gian này, nếu không huy động được các tàu thuyền trong khu vực thì cơ hội cứu được người càng thấp. Vì thế, việc số hóa trong tìm kiếm cứu nạn giúp tối ưu thời gian, tiết kiệm nguồn lực.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN kết nối chỉ huy lực lượng tại hiện trường qua hệ thống truyền hình trực tuyến vệ tinh VSAT.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, việc ứng dụng công nghệ mang tới hiệu quả rất cao trong xác định mục tiêu tìm kiếm. Tỷ lệ sai số về vị trí người bị nạn giảm nhiều so với cách làm thủ công, tìm bằng mắt thường.
"Tàu bị nạn ở vùng biển xa, để chờ điều động tàu cứu nạn từ bờ rất mất thời gian. Nhưng nhờ công nghệ, các phương tiện gần nhất có thể được huy động ngay lập tức", ông Vũ nói.
Xây dựng hệ thống dữ liệu cứu nạn
Gắn bó với công việc tìm kiếm cứu nạn từ khi trung tâm còn chưa có quy mô và được đầu tư hiện đại như ngày nay, ông Nguyễn Văn Tính, Phó giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC) kể: Trước đây, lực lượng cứu nạn phải tính bằng tay để lập vùng tìm kiếm dựa trên các thông tin về hướng gió, dòng chảy... Việc tính toán mất 30 phút và nếu thông tin thay đổi, lại phải tính lại từ đầu.
Lực lượng cứu nạn cũng không thể xác định được có tàu nào gần khu vực để huy động, phải gọi tới các đơn vị liên quan tại địa phương, vừa mất thời gian, hiệu quả cũng không cao.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp công tác tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả hơn.
Từ khi VMRCC tiếp nhận phần mềm Sarops (hệ thống lập kế hoạch tìm kiếm và cứu nạn tối ưu) của Mỹ, việc lập vùng tìm kiếm rút ngắn hơn một nửa thời gian so với trước đây.
Chỉ cần một cú click chuột đã có thể thấy hết các thông tin về hướng gió, tốc độ gió, dòng chảy, các tàu thuyền xung quanh khu vực… với thông tin chi tiết. Sau 30 phút kể từ khi nhận được thông tin báo nạn, lực lượng cứu nạn đã có thể xuất phát đi cứu người.
Trung tâm cũng được Mỹ hỗ trợ phần mềm SeaVision, giúp tầm soát, nhận dạng các các tàu trong khu vực, thuận tiện cho việc huy động phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Cùng đó, nhiều thiết bị công nghệ được ứng dụng như hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa (LRIT), hệ thống tự động nhận dạng (AIS)… cũng mang lại hiệu quả đáng kể cho việc cứu người trên biển.
Tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 412 còn được gắn hệ thống internet vệ tinh VSAT để truyền dữ liệu trực tuyến. Khi đó, ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại bờ có thể theo dõi trực tiếp hiện trường và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.
"Hiện trung tâm đang đề xuất dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, để các thông tin được trích xuất nhanh chóng hơn", ông Tính nói.
Huy động tàu nước ngoài cứu nạn
Tháng 10/2023, hai tàu cá Quảng Nam bị chìm khi đang hoạt động tại vùng biển khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa khiến 92 ngư dân gặp nạn. Thời điểm này, một số tàu đang hoạt động trong khu vực đã phát hiện vụ việc và cứu được 77 ngư dân. Số còn lại đều mất tích, phát hiện 2 thi thể.
Nhận thông tin, VMRCC đã trực tiếp liên hệ 6 tàu hàng quốc tế cỡ lớn, gửi thông báo cứu nạn cho hàng chục tàu khác tham gia hỗ trợ tìm kiếm. Sau nhiều giờ, lực lượng chức năng đã cứu thêm được hai ngư dân đang trôi dạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận