Showbiz

Hoàng Nhuận Cầm - Người “lên đồng” nghệ thuật

23/04/2021, 06:35

Không chỉ làm thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn có cách đọc thơ cuốn hút, tới nỗi nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi ông là “Người đọc thơ mê đắm nhất VN".

img

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Ngày 20/4, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa. Ông đã sống một cuộc đời sôi nổi. Vất vả có, buồn tủi có và cũng có cả những phút thăng hoa quên mình khi đắm chìm vào thơ ca, nghệ thuật.

Quên hình hài, dáng vẻ để dành cho thơ

Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, thuộc lớp cuối của thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Năm 1971, khi đang là sinh viên của khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông lên đường nhập ngũ và từng có những năm tháng chiến đấu cùng Sư đoàn 325B ở những mặt trận đầy bom đạn khốc liệt.

Chiến tranh ác liệt nhưng những năm tháng đó, thi sĩ đã cho ra đời những tác phẩm thơ mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi đó là giọng điệu thơ “lính sinh viên”. Những câu thơ tưởng như nhẹ nhàng, lãng mạn lại giấu kín biết bao sự khốc liệt của chiến tranh.

“Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có/Một hai ba giọng hát chú ve kim?” (trích bài “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”).

Những bài thơ ban đầu của Hoàng Nhuận Cầm đối ngược với sự khốc liệt, máu lửa của chiến tranh. Ông viết về những hồi ức tuổi thơ, tuổi trẻ giữa bom đạn mặt trận bằng giọng điệu trong trẻo, hồn nhiên và tươi sáng.

Thơ của ông luôn có khối độc giả riêng. Đặc biệt, các bài thơ với sự trong trẻo, những câu thơ da diết, nồng nàn đã chiếm lĩnh được khối độc giả học sinh, sinh viên trong các trường Đại học. Nhiều người đã sống, lớn lên, đã yêu với thơ của Hoàng Nhuận Cầm, thuộc lòng những tác phẩm như: “Chiếc lá đầu tiên”, “Viên xúc xắc mùa thu”, “Hẹn hò mãi cuối cùng em cũng đến”…

“Sau này, khác những bài thơ trong trẻo hồi đầu, thơ ông có nỗi đau, nỗi buồn của thời cuộc nhưng những giọng điệu thơ da diết, day dứt với nhạc tính cuốn hút vẫn làm mê đắm nhiều độc giả. Tôi tin, còn tuổi trẻ, tình yêu, còn những băn khoăn day dứt khi đứng giữa ngưỡng cửa cuộc đời thì thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn sống mãi”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định và nói thêm, thi sĩ Cầm là “con người quên hình hài, dáng vẻ để dành cho thơ”.

Bởi, dù là một nhà thơ lớn và nổi tiếng nhưng nhìn Hoàng Nhuận Cầm, không ai nghĩ ông là nhà thơ vì thân hình nhỏ thó, ăn vận tuềnh toàng. Thế nhưng con người đó, cứ nói tới thơ, đọc thơ hay bàn tới thơ lại trở nên sôi nổi. Ở thi sĩ ấy, không bao giờ có sự cách biệt về tuổi tác, phong cách sống, sự nổi tiếng hay bình dân khi đối diện với những người yêu thơ. Ai sẵn sàng nghe thơ, ai yêu thơ đều là bạn của ông, được ông trân trọng và đọc thơ cho nghe.

“Lên đồng” trong nghệ thuật

img

NSND Tự Long kết hợp với “Bác sĩ Hoa Súng” Hoàng Nhuận Cầm trong một cảnh quay cách đây hàng chục năm (Ảnh chụp màn hình)

Hoàng Nhuận Cầm không chỉ là một nhà thơ. Ông còn có niềm đam mê với nghệ thuật thứ 7. Ông là biên kịch của hàng loạt bộ phim điện ảnh như: “Mùi cỏ cháy”, “Hà Nội mùa Đông năm 46”, “Đêm hội Long Trì”, “Nhà tiên tri”…

Ngoài ra, ông còn đóng phim, diễn hài. Bác sĩ Hoa Súng là vai diễn gắn liền với tên tuổi của Hoàng Nhuận Cầm, là một nhân vật không thể quên với những ai từng gắn bó, theo dõi chương trình “Gặp nhau cuối tuần” - cái nôi tạo ra thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như: Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý, Quang Thắng…

Hoàng Nhuận Cầm không chuyên về diễn xuất nhưng ông vẫn nổi danh với vai diễn này tới mức ngoài đời, ông cũng được gọi là “Bác sĩ Hoa Súng”. Nhiều người còn tưởng ông là bác sĩ thật, nhớ tới ông trong hình ảnh một bác sĩ nhỏ nhắn, gầy gò, luôn cầm một cây kim tiêm to đùng ở “bệnh viện Tâm Hồn”, “bắt” đủ loại bệnh và giải đáp bằng sự hài hước, duyên dáng mà thâm sâu.

Lễ viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra vào 14h30 ngày 24/4, tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 15h15 cùng ngày, sau đó thi hài ông được hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ, Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.


Theo lời đạo diễn Khải Hưng, Hoàng Nhuận Cầm có khiếu hài và thích diễn xuất. Chính ông đã đề nghị chương trình nên “bắt bệnh” cho đời và đó là lý do “Bác sĩ Hoa Súng” ra đời. “Anh giấu nhẹm những đề tài cần ghi hình, không cho duyệt trước. Vậy nên, bác sĩ Hoa Súng cứ tưng tửng chọc cười, chọc vào thói hư tật xấu. Tiết mục của anh đã làm mọi người nhớ”, “cha đẻ” của “Gặp nhau cuối tuần” ngậm ngùi.

Từng gắn bó với Hoàng Nhuận Cầm trên sân khấu “Gặp nhau cuối tuần”, trong mắt MC Thảo Vân, nhà thơ cứ xuất hiện là gây cười. Đối với chị, cách diễn của ông hơi khoa trương nhưng phù hợp với vai diễn và được mọi người yêu quý. “Bác sĩ Hoa Súng” cũng trở thành cái tên mà ai cũng biết đến và không ai có thể thay thế. Đó là một thành công lớn của ông.

Nói về diễn xuất của Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Phi Tiến Sơn dùng từ “lên đồng”. Vị đạo diễn cho rằng, lúc nào nhà thơ cũng nhập vào nhân vật, câu chuyện một cách tuyệt đối. Đó là điều rất ít nghệ sĩ làm được vì đôi khi, những người chuyên nghiệp thường tỉnh, khôn và cảnh giác quá, tự kiểm soát nên không đạt được những chất như khán giả mong muốn. Ở Hoàng Nhuận Cầm có những tố chất hiếm.

Trong bộ phim truyền hình ngắn tập “Mảnh đời của Huệ”, Hoàng Nhuận Cầm vào vai Nghênh - một gã chăn lợn lai giống thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, suốt ngày rượu chè. Với đạo diễn Phi Tiến Sơn, không ai diễn được vai này hợp hơn Hoàng Nhuận Cầm bởi vóc dáng của ông bên ngoài gầy gò, lại có nét diễn “bựa bựa”, hơi không bình thường.

Đạo diễn nhớ lại trong phim có một cảnh quay buổi tối, mưa gió bão bùng. Sau khi khề khà rượu, Nghênh thấy chỉ có em vợ ở nhà một mình nên muốn tán tỉnh, sàm sỡ. Cảnh quay này phải diễn rất nhiều lần mà không được. Cuối cùng, Hoàng Nhuận Cầm xin phép cho ông… diễn thật. Điều này khiến cả trường quay ngơ ngác vì diễn xuất là phải diễn thật.

“Chúng tôi đã hy vọng anh Cầm không kiểm soát như tính của anh ấy nhưng ở cảnh đó, anh lại tự kiểm soát bản thân như thế. Có lẽ do diễn viên nữ trong lành quá nên anh sợ. Anh Cầm vẫn luôn sống rất thật”, đạo diễn Phi Tiến Sơn kể. Đó cũng là bộ phim duy nhất mà cả hai làm việc với nhau vì mỗi người đi theo một hướng.

“Những ngày tháng sau này, thi thoảng gặp anh Cầm, thấy yếu đi rất nhiều. Lắm lúc, cảm giác gió có thể thổi bay anh”, nam đạo diễn ngậm ngùi…

Không chỉ làm thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn có cách đọc thơ cuốn hút, tới nỗi nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi ông là “Người đọc thơ mê đắm nhất Việt Nam”: “Bất cứ ai đã nghe ông đọc thơ, dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến khi giọng đọc ông vang lên”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.

Con người nhỏ thó đó khi bước lên đọc thơ bỗng “lột xác”, như trở thành hiện thân của thơ. Từng điệu bộ, cử chỉ, cách nhấn câu chữ, nhả giọng của Hoàng Nhuận Cầm tiếp thêm năng lượng cho các bài thơ, cuốn hút người nghe bởi dáng vẻ say xưa của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.