Ký ức một thời thanh xuân
Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp về thôn Nhuyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa để tìm gặp cụ bà Nguyễn Thị Nên, cựu dân công hỏa tuyến từng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm nay đã 94 tuổi, song cụ Nên vẫn còn rất mạnh khỏe và minh mẫn.
Tiếp chuyện PV, anh Phạm Ngọc Huynh (54 tuổi, là con trai thứ 4 của cụ Nên) cho biết: "Ngày nào bà cũng xem ti vi, nghe thời sự và đặc biệt bà có trí nhớ rất tốt. Cách đây ít hôm, mẹ tôi được dịp lên tỉnh dự buổi gặp mặt tri ân những người phục vụ trực tiếp cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ vui lắm. Bởi ở đó, mẹ tôi gặp lại những đồng đội, ôn lại những kỷ niệm gian khó một thời".
Theo thống kê, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng với cụ Nguyễn Thị Nên, hàng vạn người dân Thanh Hóa khác đã có nhiều đóng góp quan trọng cả về sức người, sức của cho Chiến thắng Điện Biên Phủ. Và rồi nhiều cái tên của người con xứ Thanh đi vào lịch sử, như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện, xã Nông Trường, huyện Nông Cống hy sinh lấy thân mình cứu pháo; ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định tháo gỡ cả bàn thờ gia tiên để đóng bánh xe cút kít tải lương thực phục vụ kháng chiến và còn nhiều tấm gương anh hùng, hành động, nghĩa cử cao đẹp khác…
Nghe con trai nói chuyện, cụ Nên liền kể: "Ngày xưa khổ lắm, có ai nghĩ lúc đi được trở về như hôm nay. Giờ đất nước thay đổi từng ngày, những người lính như chúng tôi vui lắm".
Chạm vào dòng ký ức, cụ Nên kể tiếp, cụ mồ côi mẹ từ lúc 7 tuổi, do cuộc sống khó khăn nên phải đi ở đợ, kiếm cơm, khoai mang về cho cả nhà: "Lúc hơn 20 tuổi, bố tôi gọi về nhà và thông báo chuẩn bị đi dân công. Nghe vậy tôi vừa thích lại vừa lo. Thích là được đi phục vụ bộ đội, nhưng lo vì nhà có mỗi mình tôi là con gái, sau này không còn ở nhà giúp bố nữa". Ít lâu sau, cô gái Nguyễn Thị Nên cùng với 50 thanh niên nam nữ khác của 3 xã trong vùng tập trung lên đường đến vùng chiến dịch. Nhiệm vụ của họ là gánh gạo, gánh đạn cung cấp cho bộ đội ở chiến trường.
"Vì người tôi nhỏ bé nên chỉ gánh được có khoảng 20kg. Cả đoàn cứ đi miết, băng rừng, lội suối không biết bao nhiêu mà kể, vừa đi vừa tránh địch ném bom. Khi đến đèo Pha Đin, máy bay địch lượn dày đặc trên không. Trời mưa nên rất trơn, để trèo được lên đồi, tôi phải dùng con dao găm khoét đất để chân bám vào. Cứ như thế, đào đến hết 3km thì mới thôi, cả đoàn dân công lần lượt vượt qua, mang lương thực, đạn dược sang cho bộ đội ta", cụ Nên nhớ lại.
Giữa rừng núi, cả đoàn hái rau rừng nấu canh, ăn cơm gạo nát chấm muối trắng, có khi hái được quả khế chua chấm muối ăn là ngon lắm rồi. Suốt chặng đường đi, có khi phải uống cả nước sông, suối cho đỡ khát. Ròng rã hơn 1 năm trời ăn rừng ở rú nên nhiều người bị sốt rét.
Hạnh phúc giữa thời bình
Theo lời kể, cụ Nguyễn Thị Nên tham gia 2 đợt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần 1 vào năm 1953 và lần 2 vào năm 1954. Lần 2, khi gánh đạn dược đến địa phận đất Hòa Bình thì nghe tin chiến thắng báo về. "Nhận được tin, chúng tôi vui sướng lắm, vừa cười vừa ôm nhau khóc. Không có gì có thể diễn tả được niềm vui ấy", cụ Nên xúc động.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nữ dân quân Nguyễn Thị Nên trở về với cuộc sống đời thường. Là người nhanh nhẹn, hoạt bát và hòa đồng nên bà được người dân tín nhiệm bầu chọn làm chủ tịch hội phụ nữ và làm công tác bảo hộ tại trường học. "Về quê, tôi tham gia các phong trào của địa phương. Trong đó, mỗi khi có thi cấy lúa là lúc nào cũng được giải nhất", cụ Nên kể.
Được biết, cụ Nên lấy chồng và sinh được 6 người con (5 gái, 1 trai), con gái đầu của cụ giờ đã 70 tuổi, con út giờ cũng đã 54 tuổi. "Bây giờ tôi không có gì hơn ngoài 6 người con và 40 đứa cháu, chắt. Chiến tranh và những ngày cơ cực đã đi qua rồi, giờ nhìn cuộc sống của con cháu sung túc, hòa thuận là tôi vui lắm", cụ chia sẻ.
Ngồi bên cạnh mẹ, anh Phạm Ngọc Huynh tâm sự: "Bố mẹ tôi cả đời vất vả, giờ nhìn thấy mẹ vui là con cháu mừng. Bản thân tôi cũng noi gương mẹ tham gia các phong trào đoàn thể ở địa phương. Hiện nay, tôi vừa là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhuyễn Phú Lâm".
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Đăng Thái, Chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh cho biết: "Cụ Nên trước đây đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời điểm đó ở xã có rất nhiều người đi dân công hỏa tuyến nhưng bây giờ chỉ còn mỗi mình cụ Nên. Mặc dù tuổi cao nhưng cụ vẫn đang còn tinh tường, minh mẫn lắm.
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Nên cũng là một trong số người ở huyện được mời lên tỉnh để tham dự".
Sáng 6/4/2023, hàng trăm chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân của các gia đình liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình đã có mặt TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.để dự chương trình gặp mặt, tri ân.
Chia sẻ tại đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, dù Điện Biên Phủ nằm ở xa hậu phương, địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn. Trong những ngày tháng ác liệt ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, đã sống đẹp, sống hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận