Bảo vệ cánh rừng thông ấy là vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiệm và bà Phạm Thị Tuyết.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiệm và bà Phạm Thị Tuyết đã có hơn 30 năm gắn bó với cánh rừng
Đến với rừng vì tình yêu
Nằm cách TP Gia Nghĩa khoảng 6km, khu rừng thông ba lá ở bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song của vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiệm (54 tuổi) và bà Phạm Thị Tuyết (50 tuổi) từ lâu đã trở thành điểm nhấn độc đáo bên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Nông.
Dẫn PV Báo Giao thông đi dưới tán rừng thông xanh mát, nơi hàng ngày có hàng trăm du khách dừng chân nghỉ ngơi, chụp ảnh, ngắm cảnh, ông Kiệm hồ hởi kể, những năm 1984, ông làm việc ở Đội Xe cơ giới, Xí nghiệp Khai thác lâm nông sản thị trấn Gia Nghĩa. Chính ông là người chở cây giống về trồng dọc QL14, nay là đường Hồ Chí Minh, để tạo cảnh quan.
Năm 1988, Xí nghiệp Giảm biên chế, ông xin về hưởng chế độ 1 lần rồi về quê ở Hà Tĩnh. Năm 1990, ông cưới vợ, sau đó hai vợ chồng dẫn nhau vào lại Tây Nguyên lập nghiệp. Vậy là thêm một lần nữa, ông Kiệm gắn bó với vùng đất này.
“Hơn 30 năm trước, nơi đây có những cánh rừng thông bạt ngàn hiếm nơi nào có được. Thế nhưng, cùng với sự phát triển và gia tăng dân số, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, những cánh rừng thông dọc đường Hồ Chí Minh bị bức tử, lấn chiếm.
Những cánh rừng thông do vợ chồng ông Kiệm chăm sóc tạo cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh thu hút nhiều du khách dừng chân
Xót xa khi rừng thông hàng chục năm tuổi bị chặt hạ, tôi bàn với vợ nhận chăm sóc, bảo vệ. Được Nhà nước đồng ý giao đất, giao rừng, vợ chồng tôi dựng một chiếc lán nhỏ giữa rừng thông để tiện trông coi”, ông Kiệm chia sẻ.
Từ năm 1990 - 2014, vợ chồng ông Kiệm tham gia quản lý chăm sóc với diện tích 8,5ha rừng thông tại lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 1709.
Đến năm 2015, Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, vợ chồng ông được giao quản lý bảo vệ 3,5ha.
Dưới sự chăm sóc của hai vợ chồng, khoảnh rừng thông ba lá ngày càng xanh tốt. Những cây nào chết vì sâu bệnh, ông tự bỏ tiền mua cây thông con về trồng dặm.
“Những cây thông này nay đã gần 40 năm tuổi. Từ ngày nhận chăm sóc đến nay, rừng thông chưa mất một cây hay một tấc đất nào. Những cây thông chết do bệnh lý sẽ được thay thế ngay bằng thông con khi mùa mưa bắt đầu”, ông Kiệm kể.
Trông rừng như trông con
Vợ chồng ông Kiệm chăm sóc, trồng dặm những cây thông con để khu rừng càng thêm đẹp
“Có đêm, tôi và con rể đi tuần tra thì phát hiện một nhóm người đang rọi đèn pin, ken gốc để đổ thuốc sâu đầu độc thông. Bị phát hiện, các đối tượng bỏ chạy để lại dao, 2 lọ thuốc sâu. Sau đó, tôi trình báo và giao nộp các tang vật cho lực lượng kiểm lâm”, ông Kiệm kể.
Những năm trước đây, việc quản lý bảo vệ rừng thông trên địa bàn có phần buông lỏng của các cơ quan chức năng nên việc lấn chiếm đất, lấy trộm cây rừng có diễn ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này cơ bản đã được ngăn chặn.
Đặc biệt, công tác quản lý bảo về rừng của các hộ dân trên địa bàn dọc đường Hồ Chí Minh đang được thực hiện rất tốt, trong đó điển hình là hộ gia đình ông Kiệm. Sắp tới, theo đề án quy hoạch rừng, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các hộ gia đình, bố trí những khoảng trống phù hợp để làm trạm dừng nghỉ dưới tán rừng.
Ông Võ Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song
Cùng chồng chung sức canh giữ các đối tượng rình mò, hạ độc thông, bà Phạm Thị Tuyết khoe: “Đã có hàng nghìn người dừng chân ở rừng thông để nghỉ ngơi, chụp ảnh và thư giãn sau quãng đường dài. Ai ai cũng đều rất thích thú”.
Theo bà Tuyết, hàng năm vào mùa mưa, vợ chồng bà lại mua thông non về trồng dặm. Chỉ sau một năm, những cây thông này đã bén rễ, cao vổng lên đón nắng và dần lấp đầy khoảng trống do những cây chết để lại.
“Ngày trước mỗi ha rừng, chúng tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm, tuy nhiên từ năm 2015 trở lại đây, công giữ rừng chỉ 700.000 đồng. So với tiền cây giống, tiền chăm sóc, bảo vệ thì thực sự không thấm vào đâu. Nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau vượt khó để giữ rừng”, bà Tuyết bộc bạch
Dừng chân tại cánh rừng thông do vợ chồng ông Kiệm bảo vệ, anh Nguyễn Văn Quang (trú TP.HCM) tỏ ra vô cùng thích thú và ấn tượng với vẻ đẹp của cánh rừng.
“Nhìn những gốc thông đã lớn hơn một vòng tay người ôm là đoán cây đã có tuổi đời hàng chục năm. Vẻ đẹp xanh mát của rừng thông đã thu hút tôi cũng như du khách ghé qua đây. Chúng tôi rất mong cánh rừng này sẽ mãi xanh tươi, là điểm dừng chân lý tưởng mỗi khi đi qua tỉnh Đắk Nông”, anh Quang chia sẻ.
Ông Kiệm tâm sự: “Nhiều người hỏi tôi vì sao lại chịu khổ, sống suốt bao năm dưới cánh rừng thông này. Tôi chỉ cười, vì vợ chồng tôi có một tình cảm đặc biệt. Chúng tôi có 5 đứa con sinh ra và lớn lên dưới tán rừng. Tôi sống nhờ rừng, nuôi con nhờ rừng, con trưởng thành dưới tán rừng.
Vì vậy, sống dưới rừng, không những được thỏa mãn niềm vui của bản thân mà đó còn là cách mà vợ chồng tôi gìn giữ màu xanh cho thế hệ con cháu. Tôi chỉ mong rằng, vài năm nữa, khi những đứa trẻ trong nhà lớn lên, chúng vẫn biết rừng là gì và biết được cây thông như thế nào”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận