Y tế

Hơn 40.700 F0 ở Hà Nội đang được điều trị ra sao?

11/01/2022, 07:03

Với gần 3.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày, các cơ sở điều trị F0 tại Hà Nội đang trở nên quá tải.

Trong bối cảnh này, sự góp sức của các đoàn viên thanh niên trong việc chăm sóc F0 điều trị tại nhà giúp ích rất lớn trong việc giảm tải cho tuyến trên.

Hỗ trợ tư vấn F0 sau giờ học, giờ làm

Nguyễn Khánh Linh (SV năm 3 Đại học Ngân hàng, trú tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) là một trong hàng nghìn thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động hỗ trợ F0 tại nhà ở Hà Nội, kể từ khi các ca mắc Covid-19 tăng đột biến.

Công việc chính của Linh trong tổ hỗ trợ là hàng ngày nhận danh sách các F0 đã được trạm y tế thống kê. Sau đó, rà soát, nếu có ca xuất hiện trên địa bàn được giao quản lý, Linh sẽ nhanh chóng liên lạc để kịp thời hỗ trợ, tư vấn.

img

Tổ hỗ trợ F0 tại nhà do Đoàn Thanh niên phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội đảm trách nhập dữ liệu và tư vấn cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà

Đều đặn ngày 2 lần, Linh hướng dẫn F0 cập nhật tình hình sức khỏe lên hệ thống để theo dõi, đồng thời là đầu mối kết nối, giải đáp những thắc mắc về bệnh tình giữa người bệnh và cán bộ y tế.

Không những vậy, mỗi ngày ngoài việc hỏi thăm sức khỏe, nếu gia đình F0 có nhu cầu nhu yếu phẩm cũng sẽ được Linh tiếp nhận và phối hợp với các thành viên trong tổ hỗ trợ.

“Công việc không quá nặng nề nhưng cũng ngốn khoảng thời gian nhất định; trong khi em vẫn theo học online tại trường và vẫn đang duy trì các lớp dạy thêm trực tuyến. Chính vì vậy, em luôn cố gắng bố trí thời gian hợp lý để hoàn thành công việc. Thông thường em dành khoảng thời gian đầu giờ sáng và buổi tối để trao đổi với các F0, hoặc tranh thủ bất kỳ thời gian nào rảnh rỗi”, Linh chia sẻ.

Linh cho biết, điều đáng mừng, hầu hết các bệnh nhân điều trị tại nhà trên địa bàn phụ trách đều đã tiêm đủ liều vaccine nên diễn tiến bệnh khá nhẹ nhàng.

Có nhiều ca không có triệu chứng hoặc chỉ ho, sốt, trung bình từ 5-7 ngày người bệnh đã âm tính.

Còn theo anh Nguyễn Đăng Mạnh (Trưởng nhóm Hỗ trợ F0 Đoàn Thanh niên phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai), tính từ 29/11 đến nay, trên địa bàn phường có tổng số 500 F0 đang điều trị tại nhà, một số diễn biến xấu đã được chuyển vào cách ly tại khu tập trung của quận.

Thời gian cuối năm 2021, bình quân mỗi ngày có khoảng 20-30 ca F0 điều trị tại nhà, tuy nhiên sang những ngày đầu năm 2022 mỗi ngày khoảng 35 ca F0 và con số ngày càng tăng.

Hiện, ngoài việc thiết lập các tổ hỗ trợ, tư vấn F0 tới từng tổ dân phố, khu dân cư, Đoàn thanh niên phường còn tổ chức đội nhập dữ liệu F0 và đội phản ứng nhanh.

Theo ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để theo dõi, điều trị hiệu quả, Hà Nội vừa sửa đổi quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà.

Theo đó, ngoài quy định chức năng nhiệm vụ của các trạm y tế, trạm y tế lưu động, quy trình quản lý F0 tại nhà sẽ có sự tham gia của Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19, trong đó nòng cốt là lực lượng thanh niên.

Tổ này có nhiệm vụ nhập thông tin người mắc Covid-19 lên hệ thống phần mềm sau khi nhận được dữ liệu từ y tế cơ sở; hỗ trợ F0 tại nhà biết cách khai báo thông tin sức khỏe hàng ngày vào phần mềm…

Tổ sẽ thông báo ngay cho nhân viên y tế khi F0 có dấu hiệu chuyển nặng hoặc dấu hiệu bất thường để nhân viên y tế kịp thời vận chuyển F0 đến bệnh viện theo đúng phân tầng đã quy định.

Trong bối cảnh ca mắc ngày càng tăng cao, hoạt động của tổ hỗ trợ này giúp giảm tải rất nhiều cho lực lượng y tế tuyến trên.

Phân luồng từ tuyến dưới, tránh quá tải cơ sở điều trị

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đang điều trị cho hơn 40.700 F0, trong đó gần 79% đang điều trị tại nhà (hơn 31.300 người), 6.736 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố, quận/huyện (tầng 1); gần 2.700 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện (gồm tầng 2 và 5 bệnh viện tầng 3 của thành phố); gần 340 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay đang được Hà Nội tập trung thực hiện là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.

Bà Hà cho biết, Hà Nội không thiếu thuốc điều trị Covid-19 và sắp tới thành phố sẽ được bổ sung thêm 200.000 liều Molnupiravir; các quận, huyện sẽ nhanh chóng phân bổ thuốc cho các F0 điều trị tại nhà, không để bệnh nhân chuyển tầng...

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế nhận định, mặc dù ca mắc mới tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao nhưng tình hình vẫn được kiểm soát bởi phần lớn các ca mắc mới nhẹ, phù hợp với điều trị tại nhà.

Hơn nữa với mô hình điều trị tại nhà như hiện nay, việc san sẻ trách nhiệm công việc như nhập liệu F0 tại nhà lên hệ thống, tiếp xúc hỗ trợ, tư vấn F0… của các đoàn viên thanh niên sẽ giúp lực lượng y tế tập trung vào công tác chuyên môn, tránh quá tải cơ sở điều trị tuyến trên.

“Hà Nội cần đẩy mạnh mô hình điều trị tại nhà, giảm bớt tập trung bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng tại các trạm y tế lưu động, tránh quá tải, dẫn đến việc chăm sóc điều trị kém hiệu quả”, ông Phu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.