Cập nhật tình hình cung ứng vật liệu cát thi công hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính đến nay, dự án đã được các địa phương bố trí gần 19 triệu m3 cát sông (gồm 15 mỏ được cấp theo cơ chế đặc thù giao cho nhà thầu tự khai thác và một số mỏ đang khai thác chỉ định cấp cho dự án) và 5,5 triệu m3 cát biển tại Sóc Trăng.
Các nhà thầu đang huy động từ các khu vực khai thác được cấp với công suất huy động trung bình khoảng 50.000m3/ngày. Tổng khối lượng cát đã huy động về dự án khoảng 10,6 triệu m3.
"Trữ lượng được cấp đã đáp ứng đủ nhu cầu của dự án. Song, do công suất khai thác cát sông bị hạn chế, cát biển chỉ sử dụng cho một phần đoạn tuyến có môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thí điểm nên việc huy động cát hàng ngày chỉ đáp ứng khoảng 70% tiến độ yêu cầu", Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin.
Theo lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, giải quyết khối lượng cát còn thiếu, đơn vị đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung huy động cấp phối đá dăm để gia tải với khối lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu m3, cơ bản đáp ứng được một phần khối lượng cát còn thiếu chưa huy động kịp.
Đảm bảo đủ nguồn vật liệu hoàn thành công tác gia tải nền đất yếu trong năm 2024, Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu cũng đang tích cực làm việc với các địa phương bổ sung thêm nguồn cung cấp cát mới và tăng công suất khai thác của các mỏ đang khai thác.
"Vướng mắc lớn nhất là do lo ngại việc khai thác cát ảnh hưởng đến tác động môi trường, tác động lòng, bờ sông, việc tăng công suất mỏ rất hạn chế. Hiện, mới có UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận tăng công suất cho 2 mỏ nhưng không đáng kể.
Các nhà thầu đang làm thủ tục 1 mỏ tại Tiền Giang với trữ lượng khoảng 0,6 triệu m3 và 2 mỏ tại Bến Tre với trữ lượng 2 triệu m3.
Dự kiến, việc huy động cát có thể về công trường có thể thực hiện trước ngày 15/11/2024", đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận