Cụ thể, theo ông Hồ Minh Tấn, Đoàn thanh tra của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) vừa tiến hành đánh giá an toàn hàng không tại Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam đã đạt kết quả mục tiêu an toàn trong bay toàn diện ở mức 77%, vượt 10% so với mục tiêu an toàn toàn cầu. Đặc biệt, yếu tố quản lý an toàn gần như đạt thành tích tối đa với hơn 96%.
"ICAO đánh giá hệ thống an toàn hàng không của chúng ta khá tốt từ các văn bản quy phạm pháp luật, việc tổ chức thực hiện, định hướng hệ thống giám sát an toàn…", ông Tấn thông tin.
Đánh giá cao việc tổ chức chương trình Ngày an toàn để nâng cao nhận thức về an toàn cho cả hệ thống hàng không, lãnh đạo Cục Hàng không VN nhấn mạnh yếu tố con người vô cùng quan trọng trong hệ thống đảm bảo an toàn bay.
Mỗi cá nhân trong hệ thống an toàn đều có trách nhiệm để đảm bảo an toàn nói chung và cho hàng không nói riêng. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn một cách đồng bộ, trật tự, hài hoà, mỗi cá nhân cần có thái độ đúng đắn, chính xác và kịp thời trong công tác bảo đảm an toàn, nhận dạng và kiểm soát rủi ro.
Nhấn mạnh an toàn phải là tiên quyết, ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) nhận định, việc đảm bảo an toàn phải từ cả hệ thống, từ các hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý bay, bộ phận tham mưu, vận hành hệ thống kỹ thuật, phi công, kiểm soát viên không lưu…
Theo ông Minh, một trong những yếu tố luôn cần quan tâm là sự tập trung, không được lơ là của những người làm công tác bảo đảm an toàn, cung cấp dịch vụ hàng không. Đối với lực lượng KSVKL, cần phải thường xuyên trau dồi các kỹ năng khi điều hành, cũng như có bản lĩnh để đưa các huấn lệnh phù hợp với từng tình huống.
Lãnh đạo VATM cho biết, sắp tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện toàn diện hệ thống quản lý an toàn. Cụ thể, VATM sẽ cập nhật, sửa đổi các quy trình quan trọng liên quan đến an toàn, như quy trình quản lý rủi ro an toàn và đánh giá mức độ trưởng thành của văn hóa an toàn.
Xác định việc xây dựng và duy trì văn hóa an toàn là nền tảng quan trọng, doanh nghiệp sẽ tích cực đẩy mạnh hoạt động đào tạo và tuyên truyền văn hóa an toàn, nhằm nâng cao nhận thức về an toàn hàng không cho toàn thể cán bộ, công nhân viên. Chỉ khi mỗi người lao động đều nhận thức sâu sắc và thực hành nghiêm túc các quy định an toàn, ngành hàng không mới có thể tiếp tục phát triển bền vững.
Chương trình Ngày an toàn do Tổng công ty Quản lý bay VN tổ chức nhằm thúc đẩy công tác an toàn và nâng cao ý thức, nhận thức chung của toàn hệ thống, đặc biệt là lực lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn bay. Chương trình năm nay lấy khẩu hiệu "An toàn không đến từ may mắn, an toàn đến từ chính bạn".
Trong bối cảnh ngành hàng không phát triển nhanh chóng, VATM đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tuân thủ nghiêm các quy định, hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn, xây dựng các quy trình và hướng dẫn cụ thể.
Cùng đó, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên trực tiếp, tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động không lưu.
VATM cũng triển khai các biện pháp như phân luồng không lưu, giới hạn lưu lượng bay để tăng khả năng tiếp thu tại các sân bay lớn có mật độ bay đông. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại nhằm nâng cao năng lực quản lý không lưu, chú trọng các hệ thống cảnh báo sớm và hỗ trợ ra quyết định.
Với những lực không ngừng, lưu lượng bay của VATM đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, từ khoảng 490.000 chuyến bay trong năm 2022 lên khoảng 700.000 chuyến bay trong năm 2023.
Đại diện VATM khẳng định, an toàn luôn đồng hành cùng khai thác và ngược lại. Những sai sót trong quá trình khai thác là khó tránh khỏi bởi những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Để khắc phục tối đa những lỗi sai sót, cần có nhận thức đúng đắn thông qua phát triển nhận thức văn hóa cho mỗi cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận