Hạ tầng

Khan hiếm vật liệu làm cao tốc, Đồng Nai "cầu cứu" Thủ tướng

17/03/2021, 07:33

Khan hiếm vật liệu, Đồng Nai kiến nghị được cấp giấy phép khai thác đất gò, đồi làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc.

img

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiểm tra thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 21/1.

Sáng 17/3, nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm nằm trên hoặc đi qua địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, chuẩn bị triển khai các tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Sân bay Long Thành và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác. Do vậy cần rất lớn nguồn đá xây dựng, vật liệu san lấp để thi công các dự án.

Đối với việc cấp phép các mỏ đá, tỉnh Đồng Nai đã đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thi công các dự án trọng điểm của địa phương, TP.HCM và các tỉnh Tây Nam bộ.

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng hiện nay đất làm vật liệu san lấp (đặc biệt là đất phún sỏi đỏ dùng làm đường giao thông) chưa đảm bảo đủ khối lượng theo yêu cầu các công trình. Lý do: các khu đất làm vật liệu san lấp có diện tích không lớn (từ 2ha đến 5ha), chiều dày tầng đất làm vật liệu san lấp dao động từ 3m đến 10m. Tuổi thọ mỏ thường theo tiến độ thực hiện dự án (dưới 5 năm) mặt bằng kết thúc khai thác không thay đổi mục đích sử dụng đất ban đầu.

Trong khi đó, việc cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng các bước theo quy định về khoáng sản, môi trường, đất đai, đầu tư, xây dựng rất nhiều bước.

Các bước để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Từ đó dẫn đến nguyên nhân các nhà đầu tư không tham gia đầu tư hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Ngoài ra, vật liệu san lấp chưa được quy định rõ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khoáng sản.

img

Thi công trên công trường gói thầu XL03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

"UBND tỉnh Đồng Nai kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo thực hiện quy trình cho phép khai thác vật liệu san lấp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan rà soát bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để thống nhất ban hành quy định về cấp giấy phép đất làm vật liệu san lấp sao cho vẫn đảm bảo việc đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khai thác như trước đây đã được quy định tại Điều 63 Nghị định số 68 - CP năm 1996 và Điều 63 Nghị định số 76/2000 - CP năm 2000 của Chính phủ", văn bản nêu.

Cũng theo văn bản, trước mắt, trong giai đoạn hiện nay, để có nguồn san lấp phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm và phục vụ nhu cầu của địa phương, chấp thuận cho tỉnh được cấp giấy phép hạ độ cao sử dụng làm đất làm vật liệu san lấp ở khu vực gò đồi có đất đạt yêu cầu kỹ thuật, không thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi kết thúc thực hiện…

Sau khi hạ độ cao, người dân tiếp tục sử dụng đất đúng mục đích sử dụng đất, thống nhất giảm thủ tục hành chính liên quan đến khai thác đất làm vật liệu san lấp gồm: chủ trương đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, thiết kế mỏ...

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp.

Tổ chức được cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật về khoáng sản. Sản phẩm khai thác chỉ phục vụ cho việc thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Quy hoạch không chi tiết sẽ khó kêu gọi đầu tư”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.