Chính trị

Vẫn còn quan niệm vốn ODA là “cho không”

10/08/2018, 06:10

Chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật...

5

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Báo cáo giám sát cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, qua giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều dự án có quy mô nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể. Tính đồng bộ, kết nối của một số dự án chưa được chú trọng đúng mức. 

Nguyên nhân là do nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA và vay ưu đãi trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, còn quan niệm nguồn vốn tài trợ là “cho không”, việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi, vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Một nguyên nhân khác là các Bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong quá trình triển khai, vẫn còn tư tưởng “ỷ lại, trông chờ” nguồn vốn ODA và vay ưu đãi do Ngân sách T.Ư cấp phát. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, trách nhiệm của một số Bộ ngành, địa phương thực hiện còn chưa cao, để xảy ra các sai phạm trong quản lý song chưa làm rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, qua tiếp xúc tại các địa phương thấy rằng có một số chương trình đã thay đổi diện mạo cuộc sống người dân tuy nhiên cũng có nhiều điều trăn trở, có những công trình được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả. Từ đó, bà Hải đặt câu hỏi: “Đã tiến hành bao nhiêu cuộc thanh tra kiểm tra? Có bao nhiêu cá nhân bị xem xét trách nhiệm khi không làm đúng quy định?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Thanh Bình cho hay, có 10% dự án vay của Ngân hàng Thế giới; 30% vay của ODA và 20% vay của ngân hàng Đức hiệu quả sử dụng chưa cao”. “Lượng tiền lớn, nợ công lớn nhưng từ khâu đầu đến khâu cuối vẫn có vấn đề. Chúng ta thấy rõ ngay vấn đề nhưng trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Bình đặt vấn đề và cho biết rất băn khoăn khi không có đơn vị nào phải chịu trách nhiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.