Người dân mong chờ
Những ngày gần đây, đi dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Xa lộ Hà Nội cũ), thỉnh thoảng người dân TP.HCM lại bắt gặp hình ảnh các đoàn tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy tới chạy lui ở đoạn đường trên cao từ Thủ Đức lên quận 1 và ngược lại. Ai cũng háo hức, mong ngày chính thức vận hành của tuyến metro này.
"Thấy báo chí đưa tin metro số 1 đã vận hành thử nghiệm, tôi cũng hào hứng lắm. Hà Nội có hai tuyến rồi, chỉ mong TP.HCM sớm đưa vào khai thác để người dân đi làm cho tiện", chị Mai Lan (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nói.
Cũng chia sẻ về việc chờ đợi tuyến metro số 1, Minh Quân, sinh viên sống tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, rất mong chờ được trải nghiệm chuyến tàu metro đầu tiên. Là sinh viên, Quân thường xuyên di chuyển từ ký túc xá vào trung tâm thành phố bằng xe buýt hoặc xe máy, nhưng luôn đối mặt với kẹt xe giờ cao điểm.
"Khi metro số 1 đi vào hoạt động, em sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, cũng không còn phải lo kẹt xe hay thời tiết xấu. Chỉ nghĩ đến cảnh ngồi trong khoang mát lạnh, đi loáng một cái là tới nơi… là em thấy thích rồi. Em cũng mong xe buýt được kết nối thuận tiện để không còn phải đi xe cá nhân nữa", Quân bày tỏ.
Cần gì để cuối 2024 vận hành?
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM, khởi công từ tháng 8/2012. Sau nhiều lần trễ hẹn, dự kiến metro này sẽ được đưa vào khai thác thương mại toàn tuyến vào quý IV/2024.
Vé thấp nhất 12.000 đồng/lượt
Sở GTVT TP.HCM đang lấy ý kiến góp ý của một số đơn vị về giá vé trên tuyến metro số 1. Theo đề xuất, sẽ có 3 loại gồm vé lượt, vé ngày và vé tháng.
Trong đó, với vé lượt, khách đi cự ly nhỏ hơn và đến 5km có giá 12.000 đồng/lượt; từ 5 - 10km là 14.000 đồng/lượt; từ 10 – 15km là 16.000 đồng và từ 15km đi hết tuyến gần 20km giá vé 18.000 đồng.
Giá vé ngày là 40.000 đồng, giá vé 3 ngày là 90.000 đồng (hai loại vé này không giới hạn lượt đi). Giá vé tháng được đề xuất 260.000 đồng (không giới hạn lượt đi).
Ngoài ra, Sở GTVT đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ 100% giá vé với đối tượng chính sách xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ giá vé cho học sinh, sinh viên.
Ghi nhận của PV, sau 12 năm thi công, đến nay dự án chỉ còn khoảng 2% khối lượng công việc chưa hoàn thiện. Một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian là do những vướng mắc, diễn giải khác nhau về mặt hợp đồng giữa chủ đầu tư, tư vấn NJPT và nhà thầu Hitachi.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng: Dù chỉ còn 2% khối lượng công việc, nhưng việc đã phải kéo dài cả năm nay chứng tỏ 2% này rất quan trọng, cần tập trung thực hiện bài bản, không nóng vội.
"Nếu ví dự án như quả bóng thì 2% còn lại như một lỗ thủng trên quả bóng đó. Dù lỗ thủng nhỏ nhưng nếu chưa giải quyết được, sẽ không thể bơm hơi. Tương tự, 98% đã hoàn thành nhưng chưa có đội ngũ kỹ thuật để vận hành thì cũng không giải quyết được gì", ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, trong khoảng thời gian còn lại, TP.HCM cần tập trung cao độ để xử lý các điểm nghẽn, vận dụng cơ chế đặc thù để gỡ vướng. Còn vấn đề huấn luyện, đào tạo nhân lực cần thực hiện bài bản, không nên vì tiến độ mà làm gấp gáp. Bởi nếu nhân lực chưa đảm bảo sẽ dẫn đến trục trặc kỹ thuật, phần mềm, ảnh hưởng đến cả quá trình vận hành.
"Một khi đã cam kết thì mọi thứ phải được triển khai hiệu quả, chứ không hết lần này đến lần khác lỗi hẹn với dân", ông Nguyên nói.
Tăng tốc hoàn thiện
Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, sau thời gian nỗ lực trao đổi, đàm phán giữa các bên, những vướng mắc về sử dụng trang thiết bị của các nhà thầu cho công tác đào tạo thực hành đã cơ bản được tháo gỡ.
Tuyến metro số 1 đang về đích, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong quý IV/2024.
Theo đó, nhà thầu Hitachi đã bàn giao toàn bộ hệ thống cơ điện của gói thầu CP3 cho Liên danh Tư vấn chung NJPT để phục vụ công tác đào tạo thực hành cho nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1). Đây là cột mốc quan trọng, giúp dự án có thể về đích như kế hoạch đề ra.
Thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống cơ điện gồm 11 đoàn tàu, đường ray, thẻ vé, thông tin, tín hiệu, biển báo hiệu, thiết bị depot và nhà xưởng, cửa chắn ke ga đều đã được bàn giao. Sau khoảng thời gian dài các nhân viên của HURC1 học lý thuyết suông, giờ họ sẽ được thực hành trực tiếp.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo thực hành vào cuối tháng 9, nhân viên HURC1 sẽ tham gia vận hành thử trong tháng 10 và 11 dưới sự giám sát, đánh giá độc lập từ tư vấn an toàn hệ thống của Pháp.
Dựa trên kết quả đánh giá vận hành thử cũng như báo cáo thẩm định an toàn hệ thống, chủ đầu tư sẽ trình hồ sơ lên Cục Đường sắt VN và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, hoàn tất công tác nghiệm thu, đưa dự án vào vận hành khai thác.
"Với việc tháo gỡ được vướng mắc, dự án đang được các đơn vị tăng tốc, bước vào giai đoạn cuối cùng để hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại trong quý IV/2024", lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định.
Chạy đà cho tuyến metro số 2
Nối tiếp những tín hiệu khả quan từ tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) sau nhiều vướng mắc về mặt bằng cũng cơ bản hoàn tất thủ tục. Đến nay đơn vị chức năng đã ban hành quyết định bồi thường cho 584/586 trường hợp, đạt 99,6%. Trong đó, quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100% bàn giao mặt bằng. Duy nhất hai hộ trên địa bàn quận 3 chưa bàn giao, các đơn vị đang tích cực vận động.
Những ngày qua, dọc đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám qua địa bàn các quận 3, Tân Bình, Bình Tân... các nhà thầu đã bắt đầu tháo dỡ hệ thống hạ tầng đường điện, ống nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông. Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng tiếp tục triển khai các thủ tục để chuẩn bị đấu thầu các gói thầu khác.
Theo Sở GTVT TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM tiếp tục xây dựng tuyến metro số 2, đồng thời triển khai các công việc để chuẩn bị đầu tư cho các tuyến còn lại. Đến năm 2035, TP dự kiến hoàn thành khoảng 183km metro gồm các tuyến số 1, 2, 3, 4, 5, 6. Đến năm 2045, xây dựng thêm 168,36km metro, nâng tổng chiều dài tuyến lên khoảng 351km (có thêm tuyến số 7).
Dự kiến tới năm 2060, TP xây dựng hoàn thành các tuyến số 8 (42,8km), 9 (28,32km), 10 (87,84km), nâng tổng chiều dài lên 510km.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 10/8, được tổ chức ở TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP đang phối hợp với TP Hà Nội, Bộ GTVT để hoàn thiện hồ sơ đề án phát triển đường sắt đô thị, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Để triển khai, TP.HCM xác định đến năm 2035, nhu cầu vốn cần 36 tỷ USD; đến năm 2045 cần 33 tỷ USD và 2060 cần 48 tỷ USD, được huy động qua các nguồn như đầu tư công của thành phố; từ khai thác quỹ đất quanh nhà ga; vay trái phiếu địa phương... TP dự kiến trình cơ quan thẩm quyền ban hành 25 cơ chế chính sách. Bởi nếu không có cơ chế vượt trội, để làm được 510km phải mất hàng thế kỷ.
Những lần lỗi hẹn
Dự án đường sắt đô thị metro số 1 được phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.387 tỷ đồng.
Đến năm 2008, đơn vị tư vấn dự án là NJPT của Nhật Bản tính toán lại, đưa ra mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM. Mức vốn đầu tư tăng gấp hơn 2,7 lần so với ban đầu, khiến tiến độ thực hiện gặp khó.
Tháng 8/2012, dự án khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2017, vận hành khai thác năm 2018. Tuy nhiên, đến năm 2019, dự án tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, giảm từ 47.325 tỷ đồng xuống còn 43.757 tỷ đồng. Đồng thời, lùi ngày hoàn thành, đưa vào khai thác đến quý IV/2022.
Tháng 4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, lùi thời gian hoàn thành đến cuối quý IV/2023.
Tuy nhiên, tháng 10/2023, chủ đầu tư là MAUR xin gia hạn thời gian thi công sang năm 2024, đặt mục tiêu khai thác thương mại vào tháng 7/2024. Dù vậy, mốc này cũng không đạt được.
Metro Nhổn - ga Hà Nội hút khách ngay sau vận hành
Tại Hà Nội, sau nhiều lần lỡ hẹn, ngày 8/8, đoạn trên cao tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã được đưa vào khai thác thương mại.
Dự án khởi công năm 2009, tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2009 - 2015. Đến tháng 12/2018, dự án đội vốn lên 32.910 tỷ đồng, thời gian thi công kéo dài đến năm 2022.
Mốc cuối cùng được đưa ra để vận hành đoạn trên cao là cuối tháng 6, đầu tháng 7/2024 và đoạn ngầm là năm 2027. Tổng mức đầu tư nâng lên 34.532 tỷ đồng. Nhưng phải đến tháng 8/2024, dự án mới được chốt ngày khai thác thương mại.
Ngay sau khi chạy tàu chính thức, mỗi ngày tuyến metro này đón hàng vạn lượt khách (ngày 8/8 khoảng 35.000 lượt, ngày 9/8 hơn 42.000 lượt, ngày 10/8 có tới 66.087 lượt, dịp cuối tuần còn tăng hơn nữa). Dù không phải tuyến tàu điện đầu tiên, người dân vẫn rất hào hứng.
Trước đó, năm 2021, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào vận hành, sau 10 năm khởi công. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn và cũng nhiều lần lỡ hẹn về đích. Tuy nhiên, đến nay lượng khách đi tàu ổn định, được nhiều người lựa chọn để thay thế xe cá nhân.
PV
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận