Xã hội

Khi PV bị hành hung: Lãnh đạo báo phải là chỗ dựa vững chắc

12/06/2015, 12:17

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên, TBT Báo Giao thông chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ PV khi bị hành hung, cản trở tác nghiệp.

DSC01312
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên, TBT Báo Giao thông chia sẻ tại tọa đàm.

Sáng nay 12/6, tọa đàm “Cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp” diễn ra tại Khuyên Club, do Diễn đàn Nhà báo trẻ tổ chức với sự tham gia của đại diện của nhiều cơ quan báo chí.

Tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông chia sẻ, hiện không có cơ quan nào thống kê số vụ nhà báo bị cản trở, hành hung. Kết quả thống kê của Báo Giao thông cho thấy, năm 2013 có 40 vụ cản trở, nhưng chỉ có 1/5 số vụ có thông tin xử lý.

Theo đó, khi phóng viên nhà báo tác nghiệp bị cản trở hành hung, thì chính phóng viên và cơ quan báo chí phải tự có biện pháp bảo vệ chính mình, lãnh đạo tờ báo phải vào cuộc quyết liệt để bảo vệ phóng viên của mình, đó là chỗ dựa vững chắc của các phóng viên.

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên chia sẻ về vụ 2 phóng viên Báo Giao thông trong quá trình tác nghiệp đã bị hành hung, cướp máy quay vào ngày 8/6 vừa qua. Ngay khi sự việc này xảy ra, Báo Giao thông đã thực hiện hàng loạt hành động để bảo vệ phóng viên.

"Ngay sau khi xảy ra vụ việc, PV Báo Giao thông đã báo cáo với trưởng đại diện, trưởng đại diện báo cáo với TBT.  Lãnh đạo Báo Giao thông đã có cuộc họp khẩn cấp với ban biên tập đưa ra cách xử lý. Cụ thể: Trước hết, cử người chăm sóc, thăm khám, chăm lo, hỗ trợ toàn bộ tài chính cho anh em trong bệnh viện; lấy bằng chứng cho việc 2 PV bị xâm hại; hỗ trợ mỗi PV 5 triệu; gọi điện báo cáo cơ quan chủ quản; đề nghị cơ quan chức năng điều tra, soạn công văn gửi cơ quan chức năng; chuẩn bị thông tin, tư liệu cho các báo và chủ động đưa vụ việc lên mạng xã hội", nhà báo Nguyễn Bá Kiên chia sẻ.

Ngay sau khi thực hiện các biện pháp trên, kết quả hiệu ứng truyền thông rất mạnh. Thông tin 2 PV của Báo Giao thông bị hành hung, cướp tài sản đã được các báo lớn đồng loạt đăng tin cũng như lên án hành động côn đồ trắng trợn đối với 2 PV này.

Ngoài ra, khi thông tin được chia sẻ, ngay hôm sau, đại diện một số cơ quan đã cử cán bộ vào thăm và hỗ trợ các PV.

 "Về mặt cơ quan điều tra, Báo Giao thông đã cử cán bộ sát cánh với cơ quan điều tra ở hiện trường, họ cần gì mình giúp đỡ. Hiếm có vụ nào chỉ sau 2 ngày đã có quyết định khởi tố. Nếu trường hợp khởi tố bắt giam 2 bị can, tôi sẽ trực tiếp vào TP.HCM trao thưởng cho cơ quan điều tra vì họ đứng về phía mình, bảo vệ mình", nhà báo Nguyễn Bá Kiên chia sẻ thêm.

Theo nhà báo Nguyễn Bá Kiên, việc Báo Giao thông triển khai những hành động trên nhằm mục đích bảo vệ phóng viên và cũng chính là bảo vệ mình.

Sau khi Báo Giao thông thực hiện nhiều biện pháp, về phía cơ quan chức năng đã có những kết quả nhất định. Cụ thể: Lãnh đạo Uỷ ban ATGT QG, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị điều tra, truy tìm thủ phạm;Cơ quan điều tra đã cùng 2 phóng viên tổ chức thực nghiệm hiện trường, nhận diện thủ phạm thông qua chứng minh thư; Khởi tố vụ án cướp tài sản đối với 2 đối tượng đánh phóng viên; Khu vực được phóng viên phản ánh, tuyệt nhiên không còn xuất hiện xe quá tải; Cơ quan chức năng TP HCM yêu cầu tổ chức chở cát san lấp khu công nghệ phải chuyển sang bằng đường thủy.

DSC01305
Nhà báo Quốc Cường (phải).

Cũng tại tọa đàm, nhà báo Quốc Cường, trợ lý Tổng Thư ký tòa soạn báo Dân trí chia sẻ: “Tôi thấy rất vui mừng, vì anh em phóng viên báo Giao thông có những người lãnh đạo quan tâm sâu sát đến đời sống của anh em như thế. Bản thân báo Dân trí cũng có sự ủng hộ mạnh mẽ của các lãnh đạo, nên chúng tôi hiểu rằng sự ủng hộ của đội ngũ lãnh đạo quan trọng thế nào".

Mới đây, nhà báo Quốc Cường đã bị lãnh đạo một đơn vị lăng mạ, xỉ nhục và dọa đánh khi ông liên hệ với lãnh đạo này.

“Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo và đồng nghiệp tôi cũng thấy ấm lòng và có thêm quyết tâm đi đến cùng sự thật” ,ông Cường nói thêm.

Chia sẻ về việc nhà báo bị cản trở tác nghiệp nhưng không có thông tin, nhà báo Nguyễn Bá Kiên, TBT Báo Giao thông cho biết: “Một nguyên nhân chính các vụ nói trên không bị xử lý vì sau khi đăng tin thì các đối tượng bị chỉ trích tự thỏa thuận để giải quyết hai bên”.

Ngoài ra, những vụ cản trở nhà báo tác nghiệp sau khi đăng tin xong thường không có ai giải quyết, không lập được bằng chứng, không nhận được sự giải quyết của các cơ quan chức năng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.