Dịch Covid-19 khiến đường về nhà của những người lao động trên công trường dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 trở nên xa hơn, song hơn 1.500 công nhân vẫn đang nỗ lực phá núi, mở hầm để đưa dự án cán đích đúng tiến độ.
Hầm thông mới yên tâm xin về phép
Những ngày đầu tháng 11/2021, dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp trở lại ở nhiều địa phương, trong đó có Thanh Hóa và Ninh Bình, song tại công trường thi công hầm Thung Thi thuộc gói XL12 dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 vẫn nhộn nhịp những dòng xe vận chuyển vật liệu. Từng tốp công nhân hối hả thay ca phục vụ công tác nổ mìn, thông hầm trọng điểm.
Toàn cảnh thi công hai nhánh hầm Thung Thi thuộc gói thầu XL12 dự án cao tốc Mai Sơn - QL45
“Từ tháng 2/2021 đến nay, hơn 300 công nhân tại đây phải thực hiện “3 tại chỗ”, cách ly hoàn toàn với bên ngoài”, anh Lê Tiến Thành, kỹ sư phụ trách thi công hầm Thung Thi thuộc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả mở đầu câu chuyện về chuỗi ngày phá núi, mở hầm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo anh Thành, công nhân làm việc tại hầm Thung Thi được duy trì 24/7 với 3 ca làm việc liên tục (6h - 14h, 14h - 22h, 22h - 6h), bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, dịch bệnh hay không dịch.
Hơn 10 tháng qua, dù đời sống của người lao động bị ảnh hưởng, không thể về nhà trong thời gian dài nhưng với sự khích lệ của nhà thầu, chỉ huy công trường, mọi người vẫn giữ được nhiệt huyết, công tác mở hầm chưa phải dừng ngày nào.
“Tôi 8 tháng chưa rời công trường, vợ ở quê nhà đang phải gồng gánh một nách 3 con. Nghĩ rất thương vợ con nhưng xin về lúc này nhỡ không may tiếp xúc F0, F1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công trường dự án. Chắc khi nào hầm thông tôi mới dám xin nghỉ phép về thăm vợ con”, anh Thành nói và cho biết, đây là mũi thi công trọng điểm của gói thầu với điểm phức tạp là đường kính lớn (15m) hơn cả các hầm Cù Mông, Đèo Cả, Hải Vân đã thi công (12m).
Không riêng hầm Thung Thi, 4 tháng qua, gần 100 cán bộ, công nhân gói thầu XL10 cũng làm việc “3 tại chỗ” để đảm bảo “xe không nằm bãi, vật liệu không tồn kho, máy không dừng nghỉ, khối lượng công việc và tiến độ giải ngân phải tăng lên từng ngày”.
Nữ nhân viên phòng thí nghiệm Hoàng Phượng Loan chia sẻ, đây là chuyến đi công tác dài ngày đầu tiên trong cuộc đời dù nhà chỉ cách công trường chưa đầy 20km. Chị Loan cho biết, thông thường chị sẽ trở về nhà hàng ngày nhưng kể từ khi dịch bệnh phức tạp, gần 3 tháng qua, chị phải ăn ở tại lán công trường.
Chồng lại đi làm tận Sóc Trăng, đứa con thơ mới lên 5 tuổi phải xa vòng tay của bố mẹ, sang ở cùng ông bà ngoại.
“Nghĩ đến con, nước mắt trực chờ nơi khóe mắt, song vì công việc, chúng tôi đều phải nỗ lực, hy sinh quyền lợi cá nhân”, chị Loan chia sẻ.
Gắn bó với công trường gói thầu số 10 cao tốc Mai Sơn - QL45 từ tháng 2/2021 đến nay, lái xe Nguyễn Ngọc Lĩnh cho biết, gần 4 tháng qua phải làm “3 tại chỗ” cuộc sống bản thân có nhiều thay đổi khi thời gian về với vợ con không thể thực hiện 1 tháng/lần như thường lệ.
“Đứa cháu mới lấy vợ cũng không được về chúc mừng, chỉ thực hiện được bằng cuộc gọi video từ xa kèm theo lời xin lỗi”, anh Lĩnh tâm sự.
Duy trì liên tục hơn 1.500 người ở công trường
Đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 thuộc gói thầu số 10-XL thi công xuyên dịch, hiện một số đoạn được dải lớp đá base
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đàm Đức Ngọc, chỉ huy công trường gói thấu số 10 dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 cho biết, trong số gần 100 cán bộ, công nhân làm việc, số lao động sống ở Ninh Bình chiếm tới 40%. 60% còn lại đến từ nhiều tỉnh khác như: Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…
Xác định duy trì, bảo toàn lực lượng lao động quyết định đến thành - bại của dự án, từ giữa tháng 9/2021, toàn bộ cán bộ, lao động đã được nhà thầu tổ chức tiêm đủ 2 mũi vaccine. Nội quy công trường siết chặt hơn, yêu cầu cán bộ, công nhân chỉ được tiếp xúc người ngoài trong những trường hợp cần thiết.
“Bữa ăn hàng ngày cũng được chú trọng hơn trong cao điểm dịch. Từ khi triển khai “3 tại chỗ”, suất ăn của mỗi người lên 35.000 đồng/suất, tăng 15.000 đồng/người so với trước để đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho người lao động”, ông Ngọc nói.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm quốc gia, ban điều hành, nhà thầu thi công phải nâng cao phòng dịch, áp dụng “3 tại chỗ”, hạn chế di chuyển.
Công tác vận chuyển vật tư, vật liệu đưa từ các vùng có dịch đến phải xét nghiệm Covid-19; trong suốt quá trình bốc dỡ vật liệu, tài xế tuyệt đối không xuống xe, hạn chế nguy cơ tiếp xúc.
“Nhờ đó, lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề ở tại dự án được đảm bảo. Tổng số lượng công nhân của 5 gói thầu dự án, 66 mũi thi công luôn được duy trì từ hơn 1.500 người. Nhờ vậy tiến độ dự án đảm bảo kế hoạch, không bị chậm dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, ông Long thông tin.
Theo ông Long, tính đến đầu tháng 11/2021, tổng sản lượng dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 đạt khoảng 2.235 tỷ đồng, đạt gần 33% giá trị hợp đồng. Năm 2021, dự án được giao vốn khoảng 2.936 tỷ đồng (gồm cả GPMB và xây lắp). Trong đó, phần GPMB đến nay đã giải ngân được khoảng 2.400 tỷ đồng, đạt 85,5%, phần xây lắp đạt trên 90% vốn đăng ký cho năm 2021.
“Dự kiến, từ nay đến cuối năm, dự án sẽ giải ngân sẽ thêm hơn 300 tỷ đồng. Công tác kiểm soát dịch hiệu quả cộng với ủng hộ của thời tiết, chắc chắn phần vốn dự án đã đăng ký với Bộ GTVT sẽ được giải ngân hết trong năm 2021”, ông Long khẳng định.
Vượt tiến độ đào hầm
Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 có hai hầm là Thung Thi và Tam Điệp. Trong đó, hầm Tam Điệp dài 245m do Tập đoàn Sơn Hải thi công. Đến nay nhà thầu đã đào thông hai ống hầm và thi công hoàn thiện một vỏ hầm bên trái tuyến và đang tiếp tục thi công vỏ hầm bên phải. Từ nay đến trước Tết Dương lịch, phần vỏ hầm Tam Điệp sẽ được hoàn thiện và tiếp tục thi công hạng mục cơ điện, nền đường.
Còn hầm Thung Thi dài 680m do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thi công. Theo tiến độ chi tiết, nhiều khả năng nhà thầu sẽ thi công thông hầm vượt tiến độ 3 tháng. Trong đó, nhánh hầm phải tuyến dự kiến ngày 19/11 sẽ thông, hầm thứ 2 sẽ thông trước ngày 31/12/2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận