Mốc hoàn thành năm 2035 là hoàn toàn khả thi
Chiều 20/11, phát biểu thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) đánh giá rất cao đề án do Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị.
Về tính khả thi khi đầu tư toàn tuyến, bà Xuân cho biết, khác với phương án trước đây là ưu tiên làm trước hai đoạn Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang; dải các tỉnh khu vực miền Trung sẽ đầu tư sau.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với phương án làm toàn tuyến luôn", bà Xuân nói và cho biết, với cự ly dưới 800km, khai thác hàng không sẽ không hiệu quả, ưu thế hoàn toàn thuộc về đường sắt tốc độ cao.
Cho rằng Phú Yên và các tỉnh miền Trung xác định du lịch là một ngành kinh tế chủ lực, nhưng việc đi lại của người dân vào mùa du lịch còn khó khăn, nữ đại biểu đoàn Phú Yên nhìn nhận: "Trường hợp chúng ta đầu tư đường sắt tốc độ cao thì sẽ giải quyết được toàn bộ nhu cầu vận tải này".
Theo quy mô nền kinh tế hiện nay và dự báo năm 2027, với tiến độ thực hiện và bố trí vốn như đề xuất của dự án, cùng với đó là cách điều hành mạnh mẽ quyết liệt như thời gian qua và kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án đường dây 500KV mạch 3…, đại biểu Xuân cho rằng, việc hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2035 là khả thi.
"Hơn nữa, dự án được triển khai với công nghệ sử dụng điện sẽ là mức thay đổi lớn sang hình thức giao thông xanh", bà Xuân nói.
Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng tán thành với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tinh thần bàn làm chứ không bàn lùi.
Ông Hạ cho rằng, đây cũng là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.
Về tổng thể quy hoạch, đại biểu Hạ đề nghị cân đối, có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Bởi hiện nay có những khu vực, dải miền Trung hầu như tỉnh nào cũng có cảng hàng không.
Do đó, cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.
Về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu cho biết dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến 2030 thành lập Đảng để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Với 6 năm còn lại thì khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế - xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.
Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp.
"Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ", ông Hạ nói.
Đầu tư công không có nghĩa Nhà nước thực hiện tất cả
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án để đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế.
Theo đại biểu đoàn Đắk Nông, ngân sách Nhà nước còn nhiều khoản phải chi, ngoài chi phát triển thì còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình, đề án.
Về tiến độ thực hiện, đại biểu dẫn chứng các tuyến đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn dẫn đến vốn tăng cao, gây kéo dài thời gian hoàn thành so với mức phê duyệt ban đầu.
Các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cũng cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, giải phóng mặt bằng chậm, không đáp ứng tiến độ thi công của dự án.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá từng vấn đề cụ thể để có giải pháp hữu hiệu, khắc phục những tồn tại này nhằm hoàn thành dự án đúng kế hoạch.
Về thu hút đầu tư, đại biểu đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo đại biểu Mai, dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan.
Ngoài ra nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy.
Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu đề nghị phải tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua.
"Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia", đại biểu Mai đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận