Cầu Cổ Chiên - dự án BOT do liên danh CIENCO1 và Tuấn Lộc hoàn thành sớm hơn kế hoạch 12 tháng - Ảnh: Phan Tư |
Quyết toán xong mới tính được giá trị thực của dự án
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, với một dự án BOT, xuất phát từ chủ trương đầu tư, quy mô, cách thức đầu tư sẽ xây dựng được suất đầu tư và ra tổng mức đầu tư (TMĐT). Trong TMĐT sẽ có các khoản dự phòng, trong đó có dự phòng trượt giá, dự kiến khoảng 12-18%. Thứ hai là dự phòng vốn vay, tỷ lệ vốn vay. Dự án BOT có mức dự phòng thấp nhất cũng phải 500 tỷ đồng, cao có thể lên đến 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do lãi suất vay ngân hàng rất ổn định (các dự án BOT đều phải vay vốn ngân hàng) nên không sử dụng dự phòng. Từ đó, tiền dự toán thấp hơn rất nhiều so với TMĐT.
"Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ có ba giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh gian lận trong hoạt động thu phí. Thứ nhất, nếu phát hiện gian lận sẽ yêu cầu nhà đầu tư hoàn lại số tiền sai lệch gấp ba lần. Nặng hơn, sẽ dừng toàn bộ kíp thu phí và đưa lực lượng thu phí của Nhà nước vào thay thế. Cuối cùng, sẽ dừng thu phí vĩnh viễn, triển khai giải pháp khác để rõ ràng, minh bạch hơn." Thứ trưởng |
Về năm thu phí, Thứ trưởng Trường cho biết, sau khi xây lắp xong sẽ tiến hành quyết toán, lúc đó mới tính được giá trị đích thực của dự án là bao nhiêu. Lấy giá trị này chia cho mức thu phí thì sẽ ra được năm thu phí. Ngoài ra, khi lưu lượng xe biến động trên dưới 5%, nhà đầu tư sẽ tính toán lại. Ví dụ tăng 5%, thời gian thu phí sẽ ngắn hơn, giảm 5% thời gian thu phí sẽ nhiều lên. “Nhà nước quản lý rất chặt chẽ, đảm bảo sẽ không có thất thoát trong các dự án BOT”, Thứ trưởng cam kết.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông trước đó, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP cho biết, việc giảm thời gian thu phí của các dự án BOT là do chênh lệch giữa giá trị quyết toán công trình với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. “Tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án”, ông Huy nói.
Trước đó, theo các thông tin đăng tải, Kiểm toán Nhà nước đề nghị rút ngắn thời gian thu phí của một số trạm BOT. Về vấn đề này, ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc Ban QLDA 7, đại diện chủ đầu tư dự án cầu Cổ Chiên cho biết, hiện nay dự án cầu Cổ Chiên vẫn chưa được quyết toán nên chưa có thời gian thu phí hoàn vốn chính thức. Có hai nguyên nhân chính khiến thời gian thu phí giảm là thời gian thi công rút được 12 tháng, do đó không cần sử dụng đến phí dự phòng. Cũng do thời gian thi công rút ngắn mà lãi vay ngân hàng trong thời gian thi công cũng ít đi.
Đóng cửa trạm thu phí BOT nếu thu phí gian lận
Cũng theo Thứ trưởng Trường, nhờ triển khai một loạt các dự án BOT mà hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể. Thời gian tới, các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức này sẽ tiếp tục được triển khai, tuy nhiên sẽ đảm bảo cho người dân có thể lựa chọn sử dụng hoặc không đường BOT hay nói cách khác, không còn dự án BOT độc đạo. Việc lập dự án đầu tư sẽ chuyển về cho cơ quan thẩm quyền. Nhà đầu tư nào có đủ lực tham gia đấu thầu. Từ khâu thiết kế, dự toán đều có cơ quan nhà nước tham gia.
“Đối với các dự án BOT, tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng để Nhà nước tham gia khoảng 15-30%. Như vậy, sẽ có hình thức BOT mới hơn, quản lý tốt hơn”, Thứ trưởng nói thêm.
Trả lời câu hỏi của PV về việc giám sát thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi bị phát hiện có gian lận, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trạm này có cả hình thức bán vé tháng nên không thể áp dụng hình thức đếm xe nhân thành tiền được. Để tránh những gian lận trong thu phí tại đây, Thứ trưởng Trường cho biết ngoài các giải pháp giám sát, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tuyệt đối không được bán vé thủ công. Trong trường hợp ùn tắc phải mở cửa cho xe qua trạm và không được thu phí, nếu không thực hiện thì có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.
“Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ VN tiếp tục theo dõi đánh giá, kiểm soát việc thu phí. Với hình thức thu phí một dừng, Tổng cục Đường bộ VN có thể can thiệp vào phần mềm này, bất cứ lúc nào cũng có thể biết được số xe qua trạm là bao nhiêu. Tiến tới, trạm này phải đạt 60-70% cửa vé tự động để minh bạch hơn và giảm ùn tắc”, Thứ trưởng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận