Tài chính

Không để lương tăng, giá cũng tăng theo

Làm thế nào để việc tăng lương không bị lợi dụng, té nước theo mưa để tăng giá vô tội vạ là vấn đề được dư luận quan tâm.

Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng từ 200-280.000 đồng. Làm thế nào để việc tăng lương không bị lợi dụng, té nước theo mưa để tăng giá vô tội vạ là vấn đề được dư luận quan tâm.

Báo Giao thông trao đổi với chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế về vấn đề này.

Không để lương tăng, giá cũng tăng theo- Ảnh 1.

Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng.

Loạt giải pháp ngăn "té nước theo mưa"

Lâu nay, có tình trạng chỉ mới có thông tin tăng lương thôi là giá cả hàng hóa, dịch vụ đã tăng từ trước đó. Theo ông, ý nghĩa của việc tăng lương bị ảnh hưởng thế nào?

Trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương tăng lương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc này không bị tác động nhiều nhờ các chính sách kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mỗi khi tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá sốc mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.

Không thể để thị trường "tát nước theo mưa", mỗi lần tăng lương, thị trường tăng giá theo, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động. Do đó, cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thường Lạng

Tính từ năm 2009 đến nay, mức lương cơ sở tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 108%.

Tức là, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI. Điều này cho thấy, việc kiểm soát giá đã được thực hiện tốt, làm cho việc tăng lương đảm bảo được ý nghĩa.

Tất nhiên, không phải không có tình trạng "té nước theo mưa". Bởi thực tế việc tăng lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công, có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%), nhưng sẽ tạo tâm lý "chúng tôi tăng giá để công bằng" ở khối tư nhân khi đây là đối tượng không được áp dụng tăng lương.

Hơn nữa, việc tăng lương cũng là cơ sở để một số mặt hàng "mở van" điều chỉnh giá khi trong thời gian dài chịu tác động của hàng loạt chi phí tăng theo…

Vậy, cần làm gì để kiểm soát tình trạng này, thưa ông? Giải pháp cần thực hiện cho từng nhóm mặt hàng như Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá và tự kê khai giá ra sao?

Để ổn định giá trong điều kiện tăng lương, cần tiến hành đồng thời tăng nguồn cung hàng hóa, bảo đảm chuỗi cung ứng. Thậm chí, nguồn cung phải dồi dào để có thể đáp ứng ngay tại chỗ, ngay lập tức để ngăn việc tăng giá.

Đồng thời, phải phát huy vai trò của các chương trình khuyến mãi quốc gia ngay thời điểm này. Đây là thời điểm hợp lý nhất, bởi không có gì hay bằng cách "đang tăng lương thì được giảm giá".

Bên cạnh đó, sau khi tăng lương, lượng tiền tăng thêm ngoài thị trường lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, đây là con số lớn nên có thể tăng lãi suất ngân hàng để huy động lượng tiền nhàn rỗi tạm thời, tránh tình trạng tăng giá cục bộ do "vung" chi tiêu, đẩy cầu lên từ thị trường.

Còn kiểm soát theo từng mặt hàng, những nhóm mặt hàng Nhà nước định giá hay bình ổn giá như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công… cần giữ bình ổn. Vì đây là nhóm hàng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân và chi phí sản xuất, trực tiếp tác động giá thành sản phẩm.

Với những mặt hàng doanh nghiệp tự kê khai giá và tự chịu trách nhiệm, cần tăng cường thanh kiểm tra để kiểm soát. Nếu việc tăng giá bất thường, không có lý do chính đáng thì cần có hình thức xử lý thỏa đáng.

Tất cả các giải pháp trên nếu tiến hành một cách đồng bộ, chắc chắn việc "té nước theo mưa" sẽ giảm.

Tăng giá tạo bất lợi cho doanh nghiệp

Thực tế, nhìn từ góc độ tiêu dùng thị trường, cầu vẫn đang yếu so với những năm trước đây, ông có cho rằng việc tăng giá lúc này sẽ tạo nên những bất lợi nhất định cho doanh nghiệp?

Đúng vậy. Trong điều kiện hiện nay, nếu tăng lương dẫn đến tăng giá thì đó sẽ là một trong những điểm bất lợi cho doanh nghiệp.

Bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang muốn cạnh tranh, đang muốn vươn ra thị trường, nhưng tăng giá sẽ giảm năng lực cạnh tranh. Những doanh nghiệp thông minh trong thời điểm này có thể ổn định giá, thậm chí là còn khuyến mãi, giảm giá chắc chắn sẽ chiếm lĩnh được thị trường.

Giải pháp cần nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là phải có chiến lược để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí…

Còn đối với người tiêu dùng, không nên vì tâm lý đám đông để tích trữ hàng hóa mà nên chấp nhận mức tăng nhẹ. Chẳng hạn mua một mớ rau, giá từ 10.000 đồng tăng lên 12.000 thì có thể chấp nhận được.

Nhưng khi có việc tăng giá bất hợp lý, người tiêu dùng có quyền phản ánh để cơ quan chức năng vào cuộc đánh giá, xử lý… Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực, người tiêu dùng có quyền và nghĩa vụ thực hiện vai trò của mình.

Nhiều áp lực lạm phát

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%, theo ông lạm phát có đáng lo trong thời điểm này không?

Thực tế, cầu tiêu dùng yếu, áp lực tỷ giá đã đạt đỉnh, giá dầu khó tăng mạnh do nguy cơ suy thoái kinh tế, tín dụng tăng trưởng thấp, tác động tăng lượng cơ sở không lớn. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,3%, chưa tính đến điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Không để lương tăng, giá cũng tăng theo- Ảnh 2.

Nhiều người lo lắng giá hàng hóa sẽ tăng theo lương cơ sở từ ngày 1/7. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Việc tăng lương chỉ trong phạm vi nhỏ, không nên quá lo lắng về lạm phát trong thời gian tới nếu các mặt hàng Nhà nước định giá vẫn chưa điều chỉnh.

Tuy nhiên, cũng khó nói khi những tháng cuối năm đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá…

Do đó, phải chuẩn bị từ bây giờ, phòng ngừa từ sớm, từ xa bằng các công cụ, giải pháp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để có biện pháp sẵn sàng.

Vậy theo ông, cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp cần hành động ra sao trước bối cảnh kỳ vọng lạm phát tăng thời gian tới?

Hiện, chính sách tài khóa tiền tệ như miễn, giảm thuế đã hết mức thì nên dừng lại. Còn với những biện pháp như hạ lãi suất quá thấp, trong giai đoạn này nên nâng nhẹ để hút lượng tiền đang lưu thông.

Đặc biệt, cần có nhiều chương trình, nhiều dự án để hút tiền mặt khi tăng lương. Ví dụ phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Nhà nước…

Còn nếu cứ để nguyên theo thị trường, đương nhiên sẽ có sự tăng giá cục bộ hoặc thậm chí tạo mặt bằng giá mới khi lãi suất thấp, tiền lương cao. Điều này khó tránh khỏi.

Thay đổi thuế thu nhập cá nhân

Lương đã tăng, trong khi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Có ý kiến cho rằng nếu tăng lương 30% thì mức giảm trừ gia cảnh ít nhất cũng phải tăng 30%, thậm chí 50%. Quan điểm của ông thế nào?

Thực tế, khi các quy định về tiền lương thay đổi, chắc chắn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả quy định về thuế thu nhập cá nhân. Điều này là đương nhiên bởi khi tiền lương tăng lên, thu nhập có sự thay đổi.

Tuy nhiên, để làm một cách thận trọng, nên đánh giá, khảo sát lại một cách kỹ lưỡng để xem xét mức phù hợp, bởi tiền lương đã rất nhiều năm chưa tăng, trong khi đó giá cả tăng rất nhiều.

Theo tôi, cần giảm bậc chịu thuế từ 7 xuống 4-5, đồng thời xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết cao hơn với nhóm thu nhập cao. Có thể từ mức cũ nâng lên tới 30%, tương đương mức tăng của tiền lương cho khoảng cách thu nhập phải chịu thuế. Thu nhập của người lao động hài hòa sẽ giúp tổng cầu nền kinh tế, phúc lợi của người tiêu dùng tăng lên.

Tôi nghĩ điều đó rất thỏa đáng, nên những vấn đề về chi phí hợp lý, hợp lệ cần được khấu trừ không tính thuế. Vì đó là nhu cầu cá nhân được pháp luật công nhận, vì sao phải trả thêm thuế thu nhập cá nhân khi bản thân hoạt động đó đã được tính thuế?

Chúng ta cần mạnh dạn bỏ việc tính thuế thu nhập theo cách cũ để tạo ra sự kích cầu, còn hơn là đưa ra rất nhiều chương trình kích cầu tốn kém mà cuối cùng vẫn quay lại việc miễn giảm thuế để hỗ trợ.

Cảm ơn ông!

Đồng loạt điều chỉnh tiền lương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 74 quy định lương tối thiểu vùng. Lương tối thiểu là lương thấp nhất, cơ sở để người sử dụng lao động thỏa thuận và trả lương đối với người lao động. Đối tượng được tăng lương là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc theo thỏa thuận. Tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 200-280 nghìn đồng so với hiện hành.

Tại Nghị định 75, Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/7/2024, với mức điều chỉnh tăng thêm 15%.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.