Chất lượng dược liệu trên thị trường hiện nay đang bị “bỏ ngỏ” |
Hơn một nửa mẫu dược liệu không đạt chất lượng
Theo thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm ngành Dược sử dụng từ 60.000 - 80.000 tấn dược liệu các loại. Trong khi đó, thông qua các đơn vị được cấp phép nhập khẩu dược liệu, tính từ đầu tháng 3 đến nay có khoảng hơn 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, chiếm khoảng 2,3% so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Điều này cũng cho thấy tình hình dược liệu “lậu” có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, nguồn dược liệu thông quan qua cửa khẩu có rất nhiều tồn tại. Cụ thể, dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng trong các bao dứa, thùng giấy gây khó cho việc kiểm tra cụ thể từng mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ có thể kiểm soát về số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng dược liệu… “Trong quá trình kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập vào Việt Nam là dược liệu kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất”, ông Khánh cho biết. Điển hình, năm 2015, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư phối hợp với Cục Quản lý Y dược cổ truyền trong kiểm tra các dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại các BV Y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc, phát hiện 56/109 mẫu dược liệu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu dược liệu nhầm lẫn, giả mạo…
>>> Xem thêm video: Nhiễm độc da do dùng mỹ phẩm giả
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Quản lý thuốc Tây y đã khó, nhưng quản lý nguồn gốc, chất lượng dược liệu y học cổ truyền khó gấp vạn lần. Nhất là trong thời điểm việc nhập lậu nguồn dược liệu qua các con đường tiểu ngạch ở biên giới chưa thể kiểm soát”.
Đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư cũng cho rằng, qua công tác giám sát chất lượng thuốc trên thị trường hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm nhận thấy nhóm dược liệu và thuốc Đông y là nhóm thuốc có tỷ lệ không đạt chuẩn chất lượng và thuốc giả cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nguồn dược liệu chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc hoặc cơ sở nhỏ lẻ trong dân không được kiểm soát chất lượng.
Thiếu cơ chế khuyến khích sản xuất dược liệu theo quy chuẩn
Theo báo cáo của Viện Dược liệu, nước ta có hơn 12.000 loài thực vật, trong đó có gần 5.000 loại có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loại dược liệu quý về công dụng chữa bệnh và giá trị về kinh tế. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận: “Hiện nay, quy hoạch vùng trồng dược liệu, các chính sách liên quan đến vấn đề này còn chưa bài bản, chưa sát với thực tiễn. Ngay cả khi trồng được cây dược liệu thì việc thu hoạch, tiêu thụ ra sao cũng chưa rõ ràng…”.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc Viện Dược liệu, để tăng chủ động nguồn dược liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao chất lượng cần phải thúc đẩy phát triển nguồn dược liệu trong nước. Mặc dù từ năm 2014 đến nay, Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã cấp 14 giấy tiếp nhận hồ sơ “Thực hành trồng trọt và thu hái cây trồng” (GACP-WHO), nhưng chưa có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận GACP. Bản thân các doanh nghiệp thực hiện GACP cũng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước, chính vì vậy, số lượng dược liệu được thu hái và trồng theo tiêu chuẩn GACP còn nhiều hạn chế.
Cũng theo ông Dũng, hiện việc phát triển trồng cây dược liệu còn manh mún, tự phát. Chất lượng dược liệu kém do còn tồn dư lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật, quá trình chế biến và bảo quản không đúng cách khiến dược liệu dễ nhiễm khuẩn, mối mọt hay mất tinh dầu, trồng không đúng vùng đất, thu hái không đúng thời điểm…
Đại diện Công ty CP Đông y dược phẩm Thăng Long cũng cho rằng: “Việc thu mua dược liệu nguồn gốc trong nước manh mún, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Bộ Y tế cần có chính sách, cơ chế thuận lợi, rõ ràng để ưu tiên phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu trong nước, có thể định hướng cho các địa phương thành lập liên doanh các hộ gia đình, HTX nuôi trồng chế biến dược liệu và là đầu mối thông tin cho doanh nghiệp biết để thu mua”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận