Showbiz

Không xét danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ: Mỗi người một ý

29/10/2021, 18:58

Đề xuất bỏ nhạc sĩ khỏi đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gây tranh luận từ chính những người làm nghề.

Trong Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) bỏ đối tượng nhạc sĩ, phát thanh viên như quy định hiện hành. Việc sửa đổi này gây tranh luận trong chính giới nhạc sĩ.

img

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội

PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường: Đó là điều vô lý!

Nhạc sĩ cũng là người cống hiến cho văn hóa nghệ thuật. Có nhạc sĩ mới có bài hát cho ca sĩ hát, để ca sĩ được NSƯT, NSND. Vậy mà nhạc sĩ lại không được là điều vô lý.

Thêm nữa, các nhạc sĩ vĩ đại nhất của chúng ta hầu hết được đào tạo ở Liên Xô (Nga). Ở Nga, họ cũng có NSND, Nghệ sĩ Công huân (tương đương NSƯT ở ta) là các nhạc sĩ. Chưa kể, họ còn có nghệ sĩ âm thanh, tức có bộ môn nghệ thuật nào là có công nhận cho người hoạt động bộ môn đó.

Ở Việt Nam, chỉ có duy nhất nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất là người được phong Nghệ sĩ Công huân. Nhưng ông ấy phải sáng tác rất nhiều bản giao hưởng mới có thể đạt được danh hiệu đó.

Nước Nga là chuẩn mẫu mực ở ta, bởi việc tặng danh hiệu này giống bên họ. Tất nhiên, việc phong tặng danh hiệu còn dựa vào việc nhạc sĩ phải có tác phẩm, đóng góp thế nào. Cần phải xét ở nhiều yếu tố.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Đừng làm rối thêm việc xét tặng danh hiệu

Từ trước tới nay, nhạc sĩ có tên trong đối tượng được xét NSND, NSƯT nhưng thực chất, họ chưa bao giờ được xét. Danh hiệu này thường chỉ xét cho những người tham gia biểu diễn.

Những nhạc sĩ tham gia biểu diễn, chỉ huy mới được xét danh hiệu, chứ chỉ đơn thuần sáng tác, hòa âm phối khí thì trước nay không có. Giới nhạc sĩ, các đàn anh của tôi có nhiều người có đóng góp rất lớn. Các tác phẩm của họ giúp họ được trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải của Hội nhạc sĩ Việt Nam… nhưng họ cũng không có danh hiệu.

Do đó, bỏ nhạc sĩ khỏi đối tượng được xét cũng được. Những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tác như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ chỉ có Giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh.

img

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, bỏ nhạc sĩ khỏi đối tượng xét tặng danh hiệu cũng được vì trước nay vốn không xét tặng

Về danh hiệu, trước giờ tôi thấy chỉ xét cho thầy thuốc, nhà giáo, nghệ sĩ biểu diễn và những người có giải thưởng huy chương theo quy định. Ở lĩnh vực điện ảnh, họ có nhiều liên hoan phim, giải thưởng điện ảnh nên có thể có đủ các huy chương cấp Nhà nước theo quy định, để những đạo diễn, người làm phim… được xét tặng. Nhưng nhạc sĩ không giống như vậy.

Tôi từng ngồi trong ghế Hội đồng duyệt danh sách NSƯT, NSND của TP.HCM nên hiểu có nhiều điều khó. Mọi thứ phải căn cứ theo tiêu chí, quy định của Chính phủ. Vậy mới có những người không ai biết nhưng vẫn có danh hiệu. Có người nổi tiếng, nhiều cống hiến nhưng lại không có danh hiệu.

Đó là sự bất cập trong vấn đề xét tặng danh hiệu ở ta. Có người đề xuất mở rộng tiêu chí, để những nhạc sĩ sáng tác cũng có danh hiệu. Tôi nghĩ, hãy hoàn thiện cái cũ đã, đừng làm mọi thứ rối lên.

Làm gì cũng mở rộng sẽ khiến danh hiệu mất giá trị. Nếu người sáng tạo vẫn được danh hiệu thì giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh rồi cũng có người đề xuất mở rộng. Nới cái này phải nới cái kia, khiến danh hiệu trở nên bình thường, ai cũng có thể được.

Mọi người cũng nên sống thực chất. Những người được danh hiệu, Nhà nước cũng nên có cơ chế gì đó hàng năm, chứ không phải phong tặng rồi để đó, không được gì thêm. Chúng ta nên bớt sống ảo mà nên sống thực tế thì hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.