3 ga hành khách, 3 ga hàng hoá
Liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) vừa hoàn tất báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo đó, tư vấn đề xuất 3 ga hành khách chính tại khu đầu mối TP.HCM. Trong đó, ga Bình Triệu (ga Sài Gòn Bắc) là ga lập tàu khách, có nhiệm vụ đón và phát tàu khách.
Ga Tân Kiên (ga Sài Gòn Nam) là ga hỗn hợp hành khách và hàng hóa. Nhà ga làm nhiệm vụ xếp, dỡ hàng hóa phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa từ khu vực phía nam TP.HCM, đi và đến TP.HCM. Cuối cùng là ga Thủ Thiêm - ga đầu mối tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Cả 3 ga này đều là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Với ga hàng hóa chính, tư vấn đề xuất ba ga gồm: Ga An Bình là ga lập tàu hàng, ga điều hành cho toàn mạng đường sắt khu đầu mối TP.HCM; đồng thời là ga hàng hóa chính TP.HCM và tỉnh Bình Dương; định hướng là ga kết hợp chức năng liên vận quốc tế.
Ga Trảng Bom là ga lập tàu hàng bổ trợ phía bắc cho ga An Bình; là ga đầu mối, trung chuyển hành hóa của tuyến đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam (khổ 1000mm), toàn mạng đường sắt khu đầu mối TP.HCM (khổ 1435mm). Tương lai khi có thể tổ chức hành khách nội - ngoại ô, sẽ là ga tiếp chuyển hành khách quốc gia và đô thị.
Ga Thạnh Đức là ga đầu mối hàng hóa dự kiến lập tàu hàng bổ trợ phía nam cho ga An Bình khi đường sắt theo đường vành đai 4 hình thành; là ga nối ray xuống cảng Hiệp Phước, cảng Long An phục vụ xếp dỡ hàng hóa cho các khu công nghiệp, công nghệ cao Bến Lức, Long An.
Tại báo cáo đầu kỳ, tư vấn cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số đoạn tuyến. Theo đó, bổ sung tuyến nhánh từ đường sắt tốc độ cao về ga Trảng Bom theo đường vành đai 4.
Xem xét bổ sung nhánh nối từ đường sắt tốc độ cao (sau ga Long Thành) để nhập vào đi theo tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (cho phương án tàu khách tốc độ cao vào ga trung tâm Sài Gòn); bổ sung đoạn tuyến nối từ ga Sài Gòn (Hòa Hưng) đi Tân Kiên (cho phương án chạy tàu qua trung tâm TP.HCM từ ga Bình Triệu và ga Tân Kiên đi các hướng).
Cùng đó, bổ sung đoạn tuyến nối ra cảng Phước An; tuyến đường sắt kết nối nội - ngoại ô, kết nối hai cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành: Từ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến nút giao Phú Hữu (giao tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành).
Về phía các địa phương, tư vấn kiến nghị nghiên cứu bổ sung, tích hợp các trung tâm logistics, cảng cạn ICD vào trong quy hoạch các khu công nghiệp nhằm tạo nguồn hàng cho đường sắt; nghiên cứu, quy hoạch diện tích đất xung quanh các nhà ga đảm bảo có đủ không gian phát triển mới để tạo nguồn nội lực quan trọng cho các dự án đường sắt khi triển khai từ đấu giá bất động sản tại nhà ga TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận