Đường sắt

Kiểm soát chặt nhân viên gác chắn đường sắt bằng camera giám sát

05/10/2022, 19:49

Đường sắt áp dụng các giải pháp công nghệ để giám sát đường ngang, tăng cường đảm bảo an toàn chạy tàu.

Giám sát tác nghiệp của nhân viên gác chắn qua camera

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tính đến 30/9, hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 1.510 đường ngang các loại. Trong đó có 660 đường ngang có nhân viên gác chắn, 704 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 9 đường ngang cảnh báo tự động, 137 đường ngang biển báo.

Kiểm soát chặt tác nghiệp của nhân viên gác chắn, thời gian qua đường sắt đã lắp đặt camera giám sát trực tiếp, kết nối tín hiệu về trung tâm giám sát.

img

Hình ảnh từ camera giám sát đường ngang có gác truyền về trung tâm giám sát, nhân viên trực quan sát được tình hình ANTT và tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang

Cụ thể, tại các đường ngang có nhân viên gác chắn, các công ty bảo trì cầu đường đường sắt cho lắp đặt các camera tại đường ngang và trong nhà gác. Các hình ảnh từ camera được truyền về trung tâm giám sát đặt tại công ty.

Nhân viên trực giám sát có thể quan sát khu vực đường ngang, theo dõi hiện trạng giao thông, giám sát việc thực hiện quy trình tác nghiệp của công nhân gác đường ngang, đồng thời hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại khu vực đường ngang.

“Camera đặt trong nhà gác để giám sát nhân viên có tuân thủ đúng các quy định khi lên ban không như có ngủ quên không, bật tín hiệu chuông đèn cảnh báo tại đường ngang sau khi nhận được điện báo có tàu có chậm không, có ghi sổ nhật ký mỗi khi tác nghiệp đón tiễn tàu không...

Tương tự, ngoài khu vực đường ngang cũng giám sát tác nghiệp của nhân viên gác chắn có tuân thủ quy trình tác nghiệp khi đón tiễn tàu không. Trường hợp có biểu hiện vi phạm, nhân viên trực giám sát sẽ gọi điện nhắc nhở kịp thời.

Mặt khác, nếu phát hiện những sự việc đe dọa ATGT đường sắt, an ninh trật tự như các đối tượng gây rối, hành hung nhân viên gác đường ngang, phương tiện chết máy hay gặp sự cố trên đường ngang..., người giám sát có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp cần thiết như báo các bộ phận, đơn vị liên quan để giải quyết kịp thời, giảm thiểu hậu quả xấu có thế xảy ra.”, một cán bộ làm công tác an toàn cho biết.

Nhận biết trạng thái hoạt động bình thường của đường ngang

Đối với các đường ngang cảnh báo tự động, do không có người gác nên dễ xảy ra hiện tượng mất cắp thiết bị, hoặc hỏng thiết bị, đe dọa an toàn chạy tàu. Phổ biến là tình trạng các phương tiện cố tình đi vào khu vực đường ngang khi chuông đèn cảnh báo đã bật, đâm cần chắn khi cần chắn hạ..., rất dễ xảy ra tai nạn tàu đâm, va.

img

Qua camera giám sát đường ngang cảnh báo tự động và hệ thống giám sát thiết bị, nhân viên trực sẽ theo dõi được trạng thái tức thời hoạt động đường ngang, để kịp thời điều nhân viên kĩ thuật xử lý nếu xảy ra sự cố, hỏng hóc. Ảnh: Ô tô vi phạm, cố tình đi vào đường ngang khi chuông, đèn cảnh báo đã bật, cần chắn hạ

Vì vậy, các công ty thông tin tín hiệu đường sắt đã cho lắp đặt camera giám sát tại các đường ngang này. Hình ảnh từ camera được truyền trực tiếp về trung tâm giám sát qua mạng di động 3G-4G. Qua các màn hình tại trung tâm, nhân viên trực thấy hình ảnh thực tế đang diễn ra tại các đường ngang, người và phương tiện qua đường ngang thế nào, tàu qua đường ngang ra sao…

Cùng với lắp đặt camera, các công ty ứng dụng phần mềm theo dõi trạng thái kĩ thuật của các thiết bị tại đường ngang. Tín hiệu về trạng thái các thiết bị này được truyền về trung tâm giám sát thông qua mạng di động không dây hoặc mạng LAN truyền bằng đường cáp quang.

Khi áp dụng phần mềm này, lãnh đạo, cán bộ kĩ thuật công ty có thể “online” nắm được toàn bộ trạng thái hoạt động, kĩ thuật của các thiết bị tại các đường ngang cảnh báo tự động có lắp thiết bị giám sát thông qua màn hình hiển thị trạng thái tức thời của thiết bị.

Trên màn hình sẽ hiển thị trạng thái của các thiết bị như chuông, đèn, cần chắn, tủ điều khiển thiết bị thông qua các biểu thị, thông số. Qua đó giám sát các điều kiện đảm bảo đường ngang hoạt động bình thường: Điện áp tại tủ điều khiển thiết bị có đủ hay không, cảm biến hoạt động ra sao, đèn có sáng hay không, chuông có kêu không, cần chắn có tự động hạ xuống khi tàu đến hay tự động nâng lên khi tàu qua đường ngang, tàu đến có cảnh báo không, có chậm ở khu đoạn không… Vì vậy, những hư hỏng, sai sót được phát hiện để điều nhân viên khắc phục kịp thời.

“Việc lắp các camera giám sát này không chỉ cho biết trạng thái thực đang diễn ra tại đường ngang mà còn lưu làm tư liệu để phân tích lỗi do đâu khi xảy ra tai nạn, sự cố, do khách quan hay chủ quan, do thiết bị hay con người.”, vị cán bộ nhấn mạnh và cho hay, các hình ảnh lưu lại sẽ được sử dụng làm bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ vi phạm, tai nạn như ô tô đâm gãy cần chắn tự động, người đi đường vi phạm luật giao thông đường sắt tại đường ngang…

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, nhằm tăng cường áp dụng công nghệ vào đảm bảo an toàn chạy tàu, hiện đường sắt đang thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang, tự động phát tín hiệu trên thiết bị tín hiệu đặt cách đường ngang khoảng cách quy định để báo cho lái tàu biết, dừng tàu không vào đường ngang, ngăn ngừa tai nạn.

Tới đây, đường sắt sẽ tiếp tục nghiên cứu hệ thống cảnh báo sớm cho lái tàu. Theo đó các thiết bị ghi nhận nguy cơ mất an toàn tại đường ngang sẽ nhận diện và gửi tín hiệu trực tiếp đến thiết bị trên đầu máy để cảnh báo cho lái tàu. Việc cảnh báo có thể bằng tín hiệu chuông, đèn hoặc kết hợp với hình ảnh truyền từ camera, qua đó hỗ trợ lái tàu quyết định xử lý dừng tàu hay chạy chậm, để đảm bảo an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.