Đường sắt

Dồn lực xóa lối đi tự mở qua đường sắt

22/09/2022, 07:30

Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng, xóa bỏ các LĐTM nguy hiểm, duy trì cảnh giới ATGT...

Cục Đường sắt VN cho biết, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở, cùng với Trung ương, các địa phương cần huy động thêm các nguồn lực để triển khai thực hiện.

img

Hàng rào, đường gom ngăn cách đường sắt ở Long Biên, Hà Nội

Đầu tư xây dựng hệ thống đường gom

Một cán bộ Ban ATGT tỉnh Hải Dương cho biết, dọc đường sắt Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành mới đây đã hoàn thành đoạn đường gom kéo dài gần 2km, rộng rãi.

Tuy chưa đưa vào khai thác chính thức nhưng người dân đã có thể đi lại thuận tiện trên đường gom này, tránh đi qua đường sắt qua các lối đi tự mở (LĐTM), đảm bảo an toàn hơn.

Vị này cho biết, đây là mô hình xã hội hóa đầu tư, huyện cho phép doanh nghiệp lập dự án đầu tư khu thương mại cạnh đường sắt cùng các điều kiện thuận lợi khác.

Đổi lại, doanh nghiệp này bỏ kinh phí làm đường gom cùng hàng rào ngăn đường gom - đường sắt. Với dự án này sẽ đóng được hàng chục LĐTM qua đường sắt.

Đây chỉ là một trong các giải pháp mà Hải Dương đang áp dụng để huy động nguồn lực làm hàng rào, đường gom, xóa LĐTM qua đường sắt, đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo TTATGT và xử lý dứt điểm LĐTM qua đường sắt (Đề án 358), Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương Bùi Xuân Hải cho biết, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3 tuyến đường sắt đi qua gồm: Tuyến Gia Lâm - Hải Phòng, tuyến Kép - Hạ Long, tuyến Chí Linh - Phả Lại, tồn tại gần 250 LĐTM cần xóa bỏ.

Giải pháp căn cơ là đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dọc đường sắt, do đó tỉnh đã xây dựng kế hoạch lộ trình triển khai thực hiện.

Giai đoạn hiện nay, tỉnh đã triển khai đã xây dựng xong 3,65km đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Địa bàn huyện Kim Thành đã đầu tư xây dựng được khoảng 1,3km đường gom đường sắt đoạn từ Km 67+900 - Km 69+185.

Thời gian tới, tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng khoảng 4km đường gom trên địa bàn huyện Kim Thành. Dự kiến khi các tuyến đường gom này hoàn thành sẽ xóa bỏ được khoảng 100 LĐTM trên địa bàn.

Đối với Thanh Hóa, ông Phạm Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương ưu tiên đầu tư xây dựng trước 4 đoạn đường gom và hàng rào ngăn cách qua địa bàn các huyện Nông Cống và huyện Hà Trung, với tổng chiều dài 2.360m để xóa các LĐTM nguy hiểm, tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 19,72 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng khoảng 15 tỷ đồng, kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 4,72 tỷ đồng.

Để có nguồn vốn thực hiện, tỉnh đã quyết định chi kinh phí xây dựng hàng rào ngăn cách từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế giao thông trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023. Còn UBND các huyện Hà Trung, Nông Cống chịu trách nhiệm bố trí ngân sách huyện và huy động nguồn hợp pháp khác để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Huy động mọi nguồn lực

img

Cần xây dựng hàng rào ngăn cách đường bộ - đường sắt để xóa bỏ lối đi tự mở, đảm bảo an toàn

Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, thời gian qua công tác giảm, thu hẹp, xóa bỏ LĐTM trên các tuyến đường sắt đã được chính quyền các địa phương và các chủ thể liên quan tập trung triển khai mạnh mẽ, bằng các giải pháp cụ thể.

Đa số các LĐTM nguy hiểm đã được áp dụng các biện pháp trước mắt để đảm bảo ATGT đường sắt như: Cắm biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa”, thu hẹp bề rộng lối đi, tổ chức cảnh giới ATGT...

Đặc biệt, so với thời điểm ban hành Quyết định số 358 đã rào đóng, xóa bỏ 388 vị trí LĐTM nguy hiểm mà không phải xây dựng công trình phụ trợ như cầu vượt, hầm chui, góp phần đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông.

Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng xóa bỏ các LĐTM nguy hiểm, duy trì cảnh giới ATGT, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt, giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn.

Về nguồn kinh phí, bên cạnh nguồn kinh phí của địa phương, việc đưa các hạng mục công trình hàng rào, đường gom vào các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt vốn ngân sách Trung ương đã giải quyết được rất nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện xóa LĐTM.

Điển hình Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ tích cực trong việc xóa bỏ các LĐTM nguy hiểm, đồng thời giải tỏa, ngăn chặn vi phạm trật tự hành lang ATGT đường sắt.

Như tại Nam Định, theo Phó giám đốc Sở GTVT Trương Mạnh Khiêm, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã xóa bỏ được 60 LĐTM trên địa bàn huyện Ý Yên, do triển khai dự án “Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM” đoạn qua địa bàn huyện…

Tuy nhiên, đại diện Cục Đường sắt VN cũng cho biết, hiện việc triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ LĐTM còn chậm.

Nguyên nhân là nhiều địa phương không bố trí được nguồn vốn do ngân sách địa phương hạn hẹp.

Trong khi đó, nguồn ngân sách của Trung ương giao cho địa phương để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ như cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom... chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình của Quyết định số 358.

“Các địa phương không thể chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương mà cần có các giải pháp linh hoạt, huy động mọi nguồn lực. Có vậy mới có thể hoàn thành mục tiêu xóa bỏ LĐTM theo lộ trình đã đề ra”, đại diện Cục Đường sắt VN chia sẻ.

Đến nay, trên các tuyến đường sắt quốc gia còn 3.623 LĐTM, giảm, xóa bỏ 209 vị trí LĐTM nguy hiểm so với thời điểm ngày 30/12/2021 (đạt 5,4%); lũy kế giảm, xóa bỏ 388 vị trí so với thời điểm ban hành Quyết định số 358 ngày 10/3/2020 (đạt 10%); lũy kế giảm, xóa bỏ 477 vị trí so với thời điểm ban hành Nghị định số 65/2018/NĐ-CP (12%); không để phát sinh LĐTM trên các tuyến đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.