Kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung vào các dự án cao tốc, trọng điểm ngành GTVT. Trong đó, riêng cao tốc Bắc - Nam được giao hơn 63.000 tỷ đồng, chiếm 66% kế hoạch.
Đến hết tháng 12 năm 2023, Bộ GTVT giải ngân đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng giao trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, tính chất quan trọng được đầu tư và đưa vào khai thác, tạo tính kết nối, lan tỏa lớn.
Trong đó, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt qua 10 đợt, đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Điều chuyển kịp thời vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn; cá thể hóa trách nhiệm từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán; yêu cầu các nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nguồn lực thi công 3 ca, 4 kíp....
Ngoài các lợi ích trực tiếp khi dự án giao thông được đưa vào khai thác, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho các dự án cũng có vai trò rất lớn trong việc tăng trưởng kinh tế.
"Giải ngân tốt thì sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, tạo ra việc làm, mở ra không gian mới như khu công nghiệp, khu dịch vụ... tăng cường kết nối địa phương, vùng, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm", ông Thìn chia sẻ.
Ở góc độ cơ quan nghiên cứu, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược GTVT cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GTVT đã đẩy nhanh tốc độ đầu tư, hoàn thiện đưa vào khai thác thêm 729km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên toàn quốc 1.892km.
Trong đó, nhiều địa phương lần đầu có hệ thống đường bộ cao tốc đưa vào khai thác như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Theo ông Chung, kinh nghiệm thực tế khi triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án "Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030", cho thấy các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều có mức tăng trưởng bình quân cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Các tuyến cao tốc đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội, đóng góp một phần vào tăng trưởng GRDP của các tỉnh nằm trên các tuyến cao tốc, tốc độ tăng trưởng thêm khoảng 1-2,1%.
Dù chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động tích cực của các tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác trong hai năm 2022 và 2023, song kết quả nghiên cứu trước đó cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, các địa phương có đường cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao như: Lào Cai 14,27%/năm, Hải Phòng 13,74%/năm, Bắc Giang 13,02%/năm, Tiền Giang 12,8%/năm, Quảng Ninh 10,72%/năm, Phú Thọ 9,59%/năm, Quảng Nam 9,53%/năm, Hải Dương 8,62%/năm, Đồng Nai 8,14%/năm...
"Dự án cao tốc được đầu tư xây dựng, các địa phương cũng khai thác được quỹ đất, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch", ông Chung cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận