Gần 50 năm trôi qua nhưng ký ức về trận cầu đặc biệt năm 1976, được gọi là “trận cầu thống nhất” vẫn hằn nguyên trong tâm trí cựu danh thủ Hoàng Gia.
Bất ngờ với tình cảm của người hâm mộ
Đội Tổng cục Đường sắt chụp ảnh trước trận gặp Cảng Sài Gòn năm 1976, cựu danh thủ Hoàng Gia đứng thứ 3 từ phải sang Ảnh: NVCC
Một ngày cuối tháng 4, tôi liên lạc với cựu danh thủ Hoàng Gia để xin ông cuộc hẹn. Biết tôi muốn viết về trận cầu đặc biệt năm 1976, ông rất hào hứng.
Nhờ chuyến thi đấu năm 1976 mà tôi có thêm nhiều người bạn trân quý. Trên sân chúng tôi là đối thủ nhưng tôn trọng nhau. Sau này, chúng tôi trở thành những người bạn tốt. Mỗi khi có dịp vào TP.HCM thi đấu, tôi vẫn gặp đồng nghiệp ở đội Cảng Sài Gòn hay Hải Quan.
Ngược lại, anh em trong đó ra Hà Nội thi đấu chúng tôi đều tiếp đón chu đáo. Chúng tôi cũng có cơ hội khoác chung màu áo đội tuyển với Lưu Kim Hoàng, Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Thành… Nhiều người đã nằm xuống, người còn cũng ở cái tuổi cổ lai hy nhưng ký ức về trận cầu gần 50 năm trước với tôi lúc nào cũng như mới ngày hôm qua.
Cựu danh thủ Hoàng Gia
Hôm sau, ông gặp tôi ở quán cà phê nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, Hà Nội. Dù đã ngoài 70 nhưng ông vẫn mạnh khỏe, hoạt bát.
Ông bảo cà phê sáng là thói quen nhiều năm nay. Tới quán cà phê, cái chính là ông muốn giao lưu cùng bạn bè bởi vợ ông đã mất cách đây 10 năm, con cái trưởng thành đều đã ra ở riêng.
“Quán cà phê này anh em cựu cầu thủ Thể Công, Công an Hà Nội hay lui tới, gặp nhau để ôn lại chuyện xưa. Người nào lâu lâu không thấy tới là y như rằng ốm rồi, chúng tôi lại rủ nhau đi thăm”, ông Gia bắt đầu câu chuyện.
Giọng ông dứt khoát như những đường đi bóng nơi biên trái năm xưa. Bầu không khí nóng bỏng của trận cầu diễn ra tháng 11/1976 giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn như hiển hiện.
“Trước khi đội lên đường, đồng chí Hoàng Quốc Việt, khi đó là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có buổi gặp mặt động viên và truyền đạt tinh thần rằng, trận đấu sắp tới không chỉ đơn thuần là màn so tài giữa hai đội bóng, mà còn phải là biểu tượng của tinh thần thống nhất, đoàn kết giữa hai miền Nam - Bắc.
Đồng chí yêu cầu chúng tôi phải chơi đẹp cả về chuyên môn lẫn hành vi trên sân, cầu thủ đội bạn ngã mình phải đỡ dậy, tuyệt đối không trả đũa, phạm lỗi thô bạo”, vị cựu danh thủ kể.
Theo ông, ngày đó mới giải phóng, kinh tế đất nước còn khó khăn nên toàn đội phải di chuyển trên chiếc máy bay cũ: “Máy bay rung lắc ghê lắm nhưng chỉ chở các thành viên Tổng cục Đường sắt nên sau này tôi vẫn nói với các con là bố được đi chuyên cơ! Tới sân bay Tân Sơn Nhất, đội Cảng Sài Gòn và đội Hải Quan đón chúng tôi ở sân bay rồi tặng hoa”.
Rời sân bay, đội Tổng cục Đường sắt được bố trí ở tại khách sạn gần chợ Bến Thành. Theo ông Giang, mỗi ngày đều có rất nhiều người hiếu kỳ tụ tập trước cổng khách sạn do muốn nhìn trực tiếp các cầu thủ miền Bắc. Tình hình đó buộc quân cảnh, công an phải tăng cường nhằm đảm bảo an toàn cho các cầu thủ.
“Những người có trách nhiệm cẩn trọng cũng phải thôi bởi tình hình xã hội lúc đó chưa thực sự đi vào khuôn khổ”, ông lý giải.
Trước khi Nam tiến, ông Gia cùng đồng đội hiểu rằng, sức nóng của trận cầu với Cảng Sài Gòn chắc chắn rất lớn. Dù vậy, vị cựu tuyển thủ thừa nhận, ông không ngờ sân Thống Nhất lại cuồng nhiệt đến vậy: “Tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng như thế, CĐV đổ về rất đông. Nhiều hàng rào sắt được dựng lên, cùng với đó cảnh sát, quân cảnh bố trí dày đặc quanh sân”.
Nhưng điều các cầu thủ Tổng cục Đường đắt không ngờ tới là việc trận đấu gián đoạn ở phút thứ 5 do vỡ sân, CĐV tràn vào quá đông, lực lượng chức năng không thể ngăn cản. Ban Tổ chức buộc phải yêu cầu CĐV ngồi xếp hàng trên đường pitch để theo dõi trận đấu. “Tôi còn nghe thấy cả tiếng súng bắn chỉ thiên bên ngoài sân. Đúng là trải nghiệm chẳng thể nào quên”, ông kể.
Lấy động chế tĩnh
Tác giả và cựu danh thủ Hoàng Gia. Ảnh: HH
Trở lại với diễn biến trên sân, Tổng cục Đường sắt chơi lấn lướt và giành thắng lợi 2 - 0. “Bàn mở tỷ số do Nguyễn Minh Điểm tạt vào từ biên phải, Mai Đức Chung đánh đầu. Bàn thứ hai tôi tạt từ cánh trái, hậu vệ đội bạn phá ra, Lê Thụy Hải ập vào dứt điểm tung lưới thủ thành Lưu Kim Hoàng”, tiếp lời cựu danh thủ.
Nói kỹ hơn về chiến thuật, cựu tuyển thủ quốc gia quê Hải Phòng cho hay, đội Cảng Sài Gòn thua nhưng không có nghĩa bạn yếu hơn. Theo ông, Cảng Sài Gòn chơi kỹ thuật, khéo léo và chú trọng những đường bóng ngắn. Ngược lại, Tổng cục Đường sắt chủ yếu đá bóng dài, tốc độ cao và khoét liên tục ở hai cánh. Chính bởi vậy, đại diện miền Nam bị ngợp, thất thế trước đối thủ miền Bắc.
“Bạn bất ngờ vì mình đá nhanh, sử dụng nhiều quả tạt từ biên. Trong khi đó, bạn lên bóng chậm, chúng tôi kịp lùi về hỗ trợ nên đã hóa giải được gần như mọi tình huống nguy hiểm”, ông Giang phân tích.
Tới đây, vị cựu danh thủ bỗng trầm ngâm: “4 người trực tiếp tạo nên 2 bàn thắng năm xưa thì đã có 2 thành người thiên cổ (ông Nguyễn Minh Điểm và ông Lê Thụy Hải). Mai Đức Chung vẫn đang đóng góp cho bóng đá nước nhà trên cương vị HLV trưởng đội tuyển nữ, còn tôi hiện tại chỉ muốn nghỉ ngơi…”.
Rồi ông kể tiếp, tuy Tổng cục Đường sắt đánh bại Cảng Sài Gòn nhưng sau trận nhiều CĐV đã ập tới chúc mừng, thậm chí hôn lên má các cầu thủ. Phải rất khó khăn ông và đồng đội mới có thể trở về khách sạn. Chuyến đi của đội bóng ngành GTVT còn kéo dài khoảng gần 1 tháng, họ sau đó có thêm 4 trận giao hữu với Tây Ninh (2-0), Cần Thơ (3-0), Đồng Tháp (2-1) và Hải Quan (1-2).
Tuy nhiên, cuộc đọ sức với Cảng Sài Gòn vẫn được nhắc tới nhiều nhất với tên gọi “trận cầu thống nhất” hay “trận cầu đoàn tụ”.
Là người trong cuộc, ông Gia nhấn mạnh, ông cảm thấy tự hào vì đã trở thành một phần của lịch sử bóng đá nước nhà: “Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại ấn tượng đẹp với cầu thủ và khán giả miền Nam. Chuyến đi trên cũng trở thành tiền đề hình thành nên Giải VĐQG sau này và Tổng cục Đường sắt chính là đội vô địch đầu tiên vào năm 1980”.
Từng làm trợ lý cho 2 đời thầy ngoại
Cựu danh thủ Hoàng Gia sinh năm 1950 tại Hải Phòng. Ông gia nhập lò đào tạo Thể Công từ năm 1967. Tới năm 1971, ông chuyển sang thi đấu cho Phòng không Không quân, sau đó là Tổng cục Đường sắt (từ năm 1975). Ông cũng có giai đoạn khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam từ năm 1978 - 1982.
Ông giải nghệ năm 1986 và chuyển sang công tác huấn luyện, kinh qua nhiều đội bóng khác nhau như: Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định. Năm 2004, ông được giao dẫn dắt U22 Việt Nam và 1 năm sau làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl tại SEA Games 23. Tới năm 2011, ông làm trợ lý cho HLV Falko Goetz ở đội tuyển quốc gia.
Dưới thời HLV Toshiya Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam, ông đảm nhận vai trò tuyển trạch viên, có nhiệm vụ quan sát, lựa chọn cầu thủ cho các lứa đội tuyển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận