Những ngày này, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559, tại thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tấp nập người dân, cán bộ đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ vị tướng tài ba Đồng Sỹ Nguyên.
Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Di tích tại xã Hương Đô trở thành 1 trong 37 di tích thành phần của hệ thống di tích đường Trường Sơn.
Thời điểm tháng 6/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đã quyết định chuyển Sở Chỉ huy Tiền phương từ huyện Minh Hóa, Quảng Bình về xã Hương Đô của huyện Hương Khê.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Phó chủ nhiệm kiêm Tư lệnh Tiền phương Tổng cục Hậu cần.
Trong ký ức của ông Ngô Đăng Nghĩa (78 tuổi, xã Hương Đô) - thời điểm đó là cán bộ Đoàn thanh niên xã, thời đó khu vực xóm 7, xã Hương Đô rừng cây rậm rạp. Để có diện tích thành lập Sở chỉ huy, nhân dân Hương Đô đã nhường 20 ngôi nhà và rất nhiều vườn tược…
Thời điểm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về nơi đây làm việc, ông Nghĩa đang là cán bộ Đoàn xã Hương Đô
"Lúc bấy giờ, Sở chỉ huy đóng tại nhà ông Nguyễn Văn Nhuệ và bà Đinh Thị Khánh. Ngôi nhà 3 gian, bằng gỗ, lợp tranh, vách phên nứa... Sau những ngày làm việc vất vả, Trung tướng thường lui về nghỉ tại đây.
Căn nhà rất đơn sơ, chỉ có chiếc chõng tre và bộ bàn ghế gỗ nhưng lại có hệ thống đường hầm dẫn đến mọi cơ sở tác chiến.
Trung tướng rất hòa đồng giản dị, những lúc rảnh rỗi, ông thường hỏi chuyện nhân dân trong vùng về đời sống, công việc. Giường ngủ của ông chỉ là cái chõng tre. Những lúc họp chỉ huy, ông từ căn nhà này đi theo đường hầm là đến khu hầm chỉ huy", ông Nghĩa nhớ lại.
Chỉ huy sở các Bộ tư lệnh đều đóng trong các nhà dân thuộc trung tâm thôn 7, xã Hương Đô. Căn nhà của bà Đinh Thị Khánh là nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở và làm việc...
Cũng theo lời kể của ông Nghĩa, bộ phận hậu cần phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh đặt tại nhà ông Ngô Hạp và bà Nguyễn Thị Minh. Bộ phận thông tin liên lạc đặt tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ. Còn hội trường hội họp và sinh hoạt văn nghệ của bộ đội được đặt tại gia đình ông Hoàng Văn Học, có hầm hào trú ẩn, xung quanh có đắp bờ lũy.
Tại khu vườn nhà bà Nguyễn Thị Hoàn, chúng tôi mới biết có hệ thống hầm chỉ huy và nơi làm việc rất an toàn của tướng Nguyên. Bà Hoàn kể thời còn nhỏ, mỗi lần tướng Nguyên đến họp đều cầm trên tay hai cái kẹo để phát cho hai chị em bà.
"Nhận kẹo của Trung tướng, chị em mừng lắm. Tôi nhớ ngày Tết, cha mẹ tôi làm mâm cơm mời Trung tướng và một số cán bộ chỉ huy đến dùng bữa. Thấy Trung tướng và mọi người vui vẻ ăn, khen ngon, bố mẹ tôi mừng lắm", bà Hoàn bùi ngùi nhớ lại.
Xung quanh ngôi nhà có hào giao thông và phía trong có hầm chữ A để trú ẩn
Thời gian đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần tiền phương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên phụ trách 4 binh trạm vận tải từ nam sông Lam vào đến đặc khu Vĩnh Linh, tổ chức tiếp nhận hàng và bộ đội hành quân từ hậu phương miền Bắc vào để giao cho Đoàn 559.
Ông nhận định, đặt Sở chỉ huy tại xã Hương Đô là để chủ động giành yếu tố bất ngờ đối với quân địch.
Quá trình tiếp tế lương thảo cho chiến trường miền Nam, ông đã chỉ đạo chiến dịch "đá hóa" mặt đường đồng loạt. Đó là lợi dụng ban ngày trời mưa phùn để vận chuyển quân lương vào miền Nam.
Kỷ vật của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thời kỳ ở Hương Đô, Hà Tĩnh
Trung tướng nhận định chỉ một ngày xe chạy ban ngày sẽ bằng cả tuần xe chạy ban đêm. Người đảm nhiệm "mệnh lệnh" này phải có tinh thần dũng cảm, quyết tâm cao…
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là TX Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), ông được Đảng, Quân đội giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có gần 10 năm là Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Về sau này, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô…
Tháng 3/1982, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT (1982 - 1986).
Năm 1991, sau khi thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng, bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông nghỉ công tác từ tháng 10/2006.
Giai đoạn năm 1966-1970, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã chọn thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê làm căn cứ chiến đấu, tiếp sức cho chiến trường miền Nam.
Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 được đặt trong các nhà dân tại đây. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nhiều lần trở lại Hương Đô, thăm hỏi bà con nhân dân.
Năm 2005, quần thể Khu di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 được Bộ VH, TT&DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Đến năm 2013, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận