Tài chính

Lãi suất ngân hàng giảm, tiền cho vay vẫn "ế" khách

30/10/2023, 06:51

Lãi suất tín dụng dành cho lĩnh vực sản xuất đã giảm nhưng vắng khách vay. Trong khi đó, lãi suất bất động sản vẫn "treo" cao khiến nhiều người không dám tiếp cận vốn vay.

Tín dụng sản xuất "ế" khách vay

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Lãi suất tín dụng dành cho các lĩnh vực sản xuất nhiều ngân hàng giảm xuống, loanh quanh khoảng 5-6%. 

Ngân hàng Sacombank cho biết vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5%/năm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cuối năm.

Với khách hàng cá nhân, Sacombank dành gói tín dụng 5.000 tỷ phục vụ sản xuất - kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 6%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng này dành gói tín dụng 7.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 5%/năm.

Lãi suất ngân hàng giảm, tiền cho vay vẫn "ế"? - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đến nay mới đạt 6,7%.

Còn HDBank từ nay tới ngày 31-12 triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp mới vay, lãi suất từ 6,4%/năm.

Vietbank cũng đang triển khai nhiều combo sản phẩm dịch vụ với lãi suất ưu đãi từ 5,8%/năm. Khách hàng có khoản vay hiện hữu tại Vietbank, nếu đăng ký vay thêm sẽ được giảm lãi suất thêm đến 0,5%/năm.

Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng đang triển khai gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay bổ sung từ 0,5-2 điểm % cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; Gói cho vay đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất từ 6-7%/năm…

Lãi suất tín dụng giảm, nhiều ưu đãi đặc biệt nhưng khoản tiền cho vay vẫn "ế". Theo đó, đầu năm 2023, lãnh đạo NHNN đã nêu định hướng tăng trưởng tín dụng 14-15%, nhưng đến nay mới tăng 6,78% so với cuối năm 2022.

Ông Trịnh Văn Cửu, Giám đốc Công ty Thời trang xuất khẩu Hòa Hải (Hà Nội), chia sẻ hơn một năm nay, đơn hàng liên tục giảm. So với đầu năm 2022, số đơn hàng hiện nay giảm hơn 60%.

Thủ tục vay tín dụng và giải ngân nhanh, dễ dàng nhưng ông Cửu không dám vay bởi dòng tiền doanh nghiệp yếu, không đủ lực trả nợ. Công ty xoay xở bằng cách bán bớt tài sản để trang trải.

Bà Bùi Thị Ngát, Giám đốc Công ty Sản xuất thủ công mỹ nghệ Tràng An, cũng cho biết: "Bây giờ mà vay, áp lực trả nợ rất lớn. Quan trọng nhất là nguồn thu về không đủ trả nợ. Công ty làm túc tắc được đồng nào hay đồng đó".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cũng nhận định do cầu trong nước thấp dẫn đến doanh nghiệp không bán được hàng, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm do cầu thế giới vẫn giảm, bởi vậy, doanh nghiệp không sẵn sàng vay vốn.

Tín dụng bất động sản "treo" cao

Nếu lãi suất cho vay sản xuất giảm nhưng vắng khách vay, thì ngược lại, lãi suất tín dụng bất động sản vẫn "treo" cao. Theo khảo sát của PV, Vietcombank áp dụng lãi suất khoảng 10,5%; ACB, Techcombank khoảng 11,5%; Một số đơn vị khác dao động trên 13%. Lãi cao khiến người mua nhà nản lòng.

Anh Nguyễn Bá Thước (Hà Đông) cho hay đã tìm được căn nhà 4 tầng, 30m2 tại Vân Côn, Hoài Đức, giá bán 2,3 tỷ đồng. So với mặt bằng chung, giá căn nhà này hợp lý. Tuy nhiên, anh Thước không dám chốt liều bởi khoản vay ngân hàng khá nặng.

Anh Thước cho hay, nếu mua căn nhà trên, anh phải vay thêm ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. Thời hạn trả trong vòng 5 năm, với lãi suất như hiện nay, mỗi tháng vợ chồng anh phải trả khoảng 19 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Hiện, tất cả chi phí sinh hoạt, học hành cho con cái chỉ gói trong khoản tổng thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng. Do đó, anh quyết định lùi việc mua nhà lại, chờ một cơ hội khác.

Anh Phạm Trọng Đạt (Phú Thọ) cũng quyết định lùi kế hoạch mua nhà lại bởi không đủ lực trả lãi ngân hàng. Dành dụm được 500 triệu đồng, anh định mua căn hộ cũ 50m2 tại Mỹ Đình, giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhưng sau khi tính toán, lãi suất 11%, thời gian vay 10 năm, mỗi tháng anh phải trả khoảng 15 triệu cả gốc cả lãi. Với mức thu nhập 18 triệu/tháng, anh quyết định "gói" giấc mơ của mình lại.

Nhìn nhận về thực tế trên, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng lãi suất cao tiềm ẩn rủi ro cho người mua nhà. Khi người mua sử dụng đòn bẩy tài chính, nếu không trả được khoản vay như cam kết, người mua nhà sẽ bị siết nợ.

Ngược lại, đối với bên bán, lãi suất cao đã khiến cho thanh khoản bất động sản gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn tăng cao. "Người bán không bán được, người muốn mua cũng không mua được, bế tắc lại càng thêm bế tắc", ông Điệp cho hay.

Giải ngân tín dụng bất động sản giảm, lượng hàng tồn kho gia tăng

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 8 là 986.477 tỷ đồng. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 4.300 tỷ đồng. Lượng bất động sản tồn kho 3 tháng qua khoảng 16.940 sản phẩm.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị trực thuộc để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, song, chưa có chỉ đạo nào cụ thể với tín dụng bất động sản ngoài gói tín dụng nhà ở xã hội 12.000 tỷ đang thực hiện.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.