Tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản tối đa 30% từ tháng 10/2022
Hôm nay 9/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo: "Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam". Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, từ năm 2020 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước tiếp tục lộ trình kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, đến tháng 9/2020 tỷ lệ tối đa nguồn vốn cho vay trung, dài hạn là 40%, đến tháng 9/2021 là 37%, đến tháng 9/2022 là 34%, từ tháng 10/2022 giảm xuống còn 30%.
Tiếp tục "siết" cho vay bất động sản từ tháng 10/2022
Ông Hùng đánh giá, việc "siết" tín dụng vào bất động sản đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông Hùng cũng không ngần ngại khi chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động này. Cụ thể: Chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận vốn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh khả thi, quản trị dòng tiền còn hạn chế, có những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn...
Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất gửi tiết kiệm lại giảm mạnh nên kinh doanh bất động sản trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút vốn, dư nợ cho vay bất động sản tăng dẫn đến nợ xấu cũng có xu hướng tăng theo trong thời gian tới...
Ưu tiên vốn cho sản phẩm thiết yếu, không để bong bóng
Trước thực trạng trên ông Hùng cho rằng, cần hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản trong đó cần phân biệt rõ hơn bất động sản phục vụ nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu để ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển, tránh phát triển quá nóng, gây bong bóng thị trường bất động sản.
Với đặc thù thị trường bất động sản liên quan tới nhiều thị trường khác, do đó, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần vào ổn định an ninh kinh tế - xã hội, cần có sự phối hợp chỉ đạo thống nhất của các bộ, ngành liên quan từ quản lý thị trường nhà ở, đầu tư, xây dựng, nguyên vật liệu… và từ phía các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; xây dựng hệ sinh thái bất động sản hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tập trung mạnh vào phát triển nhà ở xã hội, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội; đẩy mạnh mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản...
Xây dựng hệ thống thông tin về mua bán, thế chấp bất động sản thống nhất trên toàn quốc, thông qua hệ thống cổng thông tin quốc gia để góp phần công khai, minh bạch hóa thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho TCTD cho vay nhận thế chấp tài sản bảo đảm là bất động sản an toàn, hiệu quả...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận