Mặc dù cạn room tín dụng, khó đẩy mạnh cho vay trong thời gian còn lại của năm 2022, song mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng, đẩy lãi suất vay lên trên 15%/năm khiến người vay đau đầu.
Khó vay vốn, lãi suất tăng trên 15%
Lãi suất vay tăng trên 15% khiến nhiều khách hàng gặp khó (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Văn Quang (Bình Thạch, TP.HCM), giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cho biết, mấy tháng qua dòng tiền của công ty đang teo tóp dần do thanh khoản từ hoạt động xuất nhập khẩu và bất động sản đứng im.
Theo ông Quang, hàng chục năm qua ông gần như không phải vay vốn ngân hàng để phục vụ mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm. Song năm nay, công ty bị cạn vốn khi hàng chục lô đất không bán được, trong khi đơn hàng giảm mạnh. Từ tháng 7, công ty đã rao bán bất động sản nhưng không khả thi, lượng người hỏi mua rất ít, lại rớt giá nhiều.
Mặt bằng lãi suất biến động theo thế giới, tuy nhiên so với các nước trong khu vực, lạm phát của Việt Nam ở mức thấp, nên cũng không quá lo ngại việc nới thêm một chút room tín dụng sẽ tác động lên lạm phát.
Song, ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn phải ra thị trường vốn, nâng cao tính chủ động trong bối cảnh hiện nay.
TS. Huỳnh Trung Minh
Vị giám đốc cho biết, công ty đã liên hệ với Ngân hàng ACB để hỏi vay 1 tỷ đồng, lãi suất ngưỡng 15,1%/năm, tuy nhiên vì không phải khách hàng truyền thống, lại trong bối cảnh cạn room tín dụng, nên vẫn chưa vay được khi tài sản đảm bảo không còn là vấn đề quyết định.
Công ty của ông Quang chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn dịp cuối năm. Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, doanh nghiệp ở một số ngành đang gặp khó khăn chưa từng có do thiếu vốn.
Một số ngành như thép đối diện với thực tế cung vượt cầu, nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao.
Đối với công nghiệp hỗ trợ, trước đây các doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng.
Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền…
Khoản vay cũ cũng đội giá
Không chỉ lãi suất vay mới tăng, nhiều khách hàng có khoản vay cũ gần đây cũng nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất.
Theo anh Nguyễn Đức Thành (Long Biên, Hà Nội), từ tháng 11/2022, anh phải chi thêm hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, từ 12 triệu lên hơn 15 triệu (cả gốc lẫn lãi) cho khoản vay mua ô tô.
Năm ngoái, anh vay vốn với lãi suất năm đầu 7%/năm, sau đó thả nổi theo thị trường, theo tính toán sẽ không vượt quá 11%. Tuy nhiên, năm nay ngân hàng đã báo mức lãi mới lên tới 14,2%, tức là lãi phải trả tăng hơn 2 lần.
Trường hợp của anh Thành cũng là nỗi lo chung của nhiều khách hàng vay vốn cá nhân. Trong khi đó, dự báo lãi suất cho vay vẫn còn tăng theo lãi suất huy động. Mức lãi suất huy động cao nhất trên 9%/năm hiện được xem là phổ biến ở nhiều ngân hàng.
Đơn cử, VPBank vừa tăng lãi suất thêm 0,3%, nâng lãi suất cao nhất lên 9,3%/năm cho kỳ hạn 18 tháng trở lên; kỳ hạn 12 tháng cũng tới 9,1 - 9,3%/năm.
GP Bank tăng lãi suất lên mức cao nhất 9,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên. Sacombank cũng đã tăng lãi suất lên mức 9%/năm ở kỳ hạn 15 tháng. Biên độ lãi vay thả nổi theo thị trường cũng dao động từ 3 - 6% tùy ngân hàng và gói vay.
Trước thực tế hiện nay, Ban IV cho rằng, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp vào những tình thế rất khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực.
Nới room tín dụng?
Số liệu vừa cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%.
Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,38%, của doanh nghiệp tăng 2,43%. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng thấp, khiến tín dụng vẫn khó khăn cho tới năm 2023.
Tính đến ngày 30/9, tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo chính chỉ còn 176.163 tỷ đồng, giảm đến 48% so với đầu năm.
NHNN cũng truyền đi thông điệp, do áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023, nên chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt.
Bởi vậy, theo một chuyên gia, tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể vẫn sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt. Hoạt động cho vay mua nhà cũng sẽ giảm tốc do nguồn cung nhà ở mới hạn chế và lãi suất cho vay mua nhà không còn ở mức hấp dẫn.
Trong khi đó, xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc từ quý IV/2022, nên không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải tăng thêm lãi suất cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 nhằm duy trì môi trường tỷ giá ổn định.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, quý IV hàng năm, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là đối với doanh nghiệp luôn tăng, vì nhu cầu tích trữ hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm.
Do đó, ông kiến nghị có thể xem xét nới thêm room tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm 2022. Room tín dụng mới cũng nên chọn lọc những nhà băng có năng lực và hệ số an toàn vốn (CAR) cao.
Đồng thời, nguồn vốn tín dụng được nới thêm cần hướng vào lĩnh vực ưu tiên sản xuất, kinh doanh, để hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu tích trữ hàng hóa, phục vụ cho thị trường dịp cuối năm.
Hụt vốn do bất động sản “mắc cạn”
Theo Ban IV, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp họ thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận