Giá đất giáp đường vành đai rục rịch tăng
Những ngày cuối năm, tại đầu tuyến vành đai TP Đà Lạt hướng QL20 (từ TP.HCM), đơn vị thi công đang thảm nhựa đoạn đường đèo Prenn. "Từ khi đường vành đai được triển khai, người dân xây dựng nhà cửa dọc tuyến nhiều hơn. Điều này càng thu hút sự chú ý những người tìm mua đất", anh Vũ Thành Long, một người kinh doanh bất động sản ở Đà Lạt cho biết.
Dọc theo đường vành đai TP Đà Lạt, tại khu vực phường 4, tình hình mua bán đất nền nhộn nhịp. Những chiếc ô tô mang biển số các tỉnh, thành xuất hiện nhiều ở đây, rà xe dọc tuyến để tìm đất. Nhiều thửa đất dọc hai bên tuyến đã được chủ đất xây bao đường ranh chờ người mua.
Anh Lê Văn Trung, ở phường 9, TP Đà Lạt cho hay, giá đất nền ở khu vực đường vành đai tăng nhiều so với trước, dao động trong khoảng từ trên 10-40 triệu đồng/m2.
"Dự kiến, khi đường vành đai hoàn thiện thì giá đất nền sẽ tăng thêm, nhờ hoạt động du lịch và sự thuận lợi do hạ tầng giao thông mang lại", anh Trung nhận định.
Đây là một trong ba cửa ngõ chính vào trung tâm TP Đà Lạt, thế đất cao, view đẹp và rất gần trung tâm, thích hợp mua đầu tư, kinh doanh du lịch. Dù vậy, giới buôn bán bất động sản cho rằng, giao dịch bất động sản ở Lâm Đồng chưa có nhiều đột biến như kỳ vọng.
Trong quý IV/2024, địa phương này có gần 5.200 giao dịch (gồm đất nền, nhà riêng lẻ và căn hộ chung cư) được ghi nhận, con số này còn rất khiêm tốn so với mức đỉnh năm 2022 (hơn 19.000 giao dịch).
Mặc dù số lượng giảm, tổng giá trị giao dịch quý IV đạt hơn 5.400 tỷ đồng, trung bình 1,1 tỷ đồng một lô, trong khi bình quân quý III liền kề chỉ khoảng 952 triệu đồng một thửa. Điều này cho thấy giá đất nền khu vực Lâm Đồng có dấu hiệu tăng.
Chuyển từ cắt lỗ sang giữ đất
Bà Lê Thị Thắm, Trưởng ban Điều hành hội môi giới bất động sản tại Lâm Đồng cho hay, vào dịp cuối năm, giá đất nền đã có sự phục hồi so với trước, trong đó chủ yếu là đất nền giá rẻ. Căn hộ chung cư cũng được nhiều người tìm kiếm bởi nhu cầu mua để ở. Về giá, hiện tại có chuyển biến hơn nhưng chưa biểu thị rõ rệt, theo bà.
Theo một số môi giới bất động sản, mặc dù bảng giá đất mới đã cao hơn khoảng 30% so với bảng giá đất cũ, song mức giá này vẫn chưa tiệm cận với mặt bằng giá thị trường. Cụ thể, khu vực Hòa Bình (Đà Lạt), bảng giá đất mới có mức giá cao nhất gần 73 triệu đồng/m2 nhưng thực tế thị trường đã lên đến 400-500 triệu đồng/m2.
Tại TP Bảo Lộc, giá đất nông nghiệp dao động từ 94.000-546.000 đồng/m2. Đất ở nông thôn cao nhất là 9,6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở đô thị cao nhất TP Bảo Lộc là 35,1 triệu đồng/m2 (với các thửa đất ở trên đường trung tâm). Bảng giá đất mới đã tác động đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư đất nền Lâm Đồng. Nhiều người từ cắt lỗ, thoát hàng chuyển sang giữ đất và chờ đợi.
Cũng như các địa phương khác, thị trường bất động sản ở Lâm Đồng cũng gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, giá nguyên vật liệu đồng loạt tăng khiến doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. Nhiều chủ đầu tư buộc thu hẹp quy mô, gia hạn hoặc dừng triển khai dự án. Trong giai đoạn này, Lâm Đồng cũng tăng thanh tra, ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền nên giảm bớt sốt đất cục bộ.
Sẽ khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội
Thông tin từ Sở Xây dựng Lâm Đồng năm 2024, địa phương này không có dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc dự án hoàn thành, được cấp phép xây dựng...
Chỉ có một dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng) được cấp phép, đang triển khai thi công. Đã có 99 căn hộ tại khối chung cư nhà ở xã hội 3C được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện đưa vào khai thác.
Về chuyển động bất động sản chưa như kỳ vọng, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, khó khăn do quỹ nhà, đất tái định cư chưa đảm bảo.
Các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, nhà ở có sự thay đổi, dẫn đến nhà đầu tư không kịp thời cập nhật, lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục.
Năng lực lập hồ sơ của nhà đầu tư, đơn vị tư vấn chưa đáp ứng nội dung, chưa đầy đủ thành phần theo quy định, dẫn đến hồ sơ phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Thời gian giải quyết một số thủ tục về đất đai, xây dựng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bất động gặp khó khăn về tài chính, chưa tập trung nguồn lực để thực hiện dự án. Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay tín dụng, vốn trái phiếu doanh nghiệp, sức mua và thanh khoản giảm kéo theo nguồn vốn huy động từ khách hàng chưa cao, dẫn đến thiếu vốn để triển khai thực hiện.
Năm 2025, Lâm Đồng tập trung xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, tổ chức thi hành có hiệu quả các luật, chỉ thị, nghị quyết, nghị định về nhà ở và thị trường bất động sản.
"Sở cũng tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Đà Lạt và Bảo Lộc, đảm bảo điều kiện khởi công hai dự án ở Đà Lạt và một dự án ở TP Bảo Lộc trong năm nay", ông Hồ Ngọc Phong Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết.
Ngoài các tuyến kết nối từ QL20 và QL1 (các đường 27C, 28 từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa), hiện các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai), Tân Phú - Bảo Lộc - Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng) cũng đang được chuẩn bị triển khai đầu tư. Đây là tuyến song song với QL20. Ngoài ra, Đà Lạt còn có sân bay Liên Khương, là tuyến hàng không đắt khách ở khu vực Tây Nguyên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận