Xã hội

Làm nhanh Long Thành vì Tân Sơn Nhất đã thành nỗi ám ảnh

01/06/2017, 18:17

Nhiều ĐBQH tán thành tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư để triển khai sớm dự án Long Thành...

bo-truong-truong-quang-nghia

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chiều nay (1/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, sau đó, các ĐBQH thảo luận tại tổ.

Không GPMB, tái định cư trước, dự án sẽ đội vốn, kéo dài

Khẳng định sự cần thiết phải tách ngay nội dung quan trọng này, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ chỉ có thể quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành dự án thành phần và tổ chức thực hiện độc lập đối với Dự án CHK quốc tế Long Thành sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đã được Quốc hội thông qua.

“Trường hợp không được tách trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến phải đến năm 2019, tỉnh Đồng Nai mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai thu hồi đất GPMB để xây dựng các khu tái định cư và thực hiện GPMB của 5.000 ha đất Dự án” – Bộ trưởng nói và cho biết thêm: Khi đó việc triển khai thi công sẽ phải phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng. Thời gian thực hiện Dự án có thể phải kéo dài 2-3 năm, chưa kể kinh phí GPMB sẽ tăng thêm do giá đất xung quanh khu vực dự án liên tục tăng.

Ngược lại, nếu Quốc hội chấp thuận, theo tiến độ hiện nay, dự kiến nếu Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019 thì sớm nhất năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của Dự án. Điều này cũng phù hợp với tiến độ đưa CHK quốc tế Long Thành vào khai thác từ năm 2025.

Một điểm quan trọng khác, theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, CHK quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn. Người dân sống trong vùng Dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ… do quyền sử dụng đất bị hạn chế bởi quy hoạch; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, việc sớm thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án nhằm không những để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, đồng thời còn để đẩy nhanh tiến độ GPMB, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban tán thành phương án tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước nhằm bảo đảm tiến độ của Dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Theo cơ quan thẩm tra, chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc thận trọng. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những dự án quan trọng quốc gia đã được thực hiện, đề nghị Chính phủ bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án sớm triển khai, dân mới ổn định cuộc sống

ĐB Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai nhấn mạnh, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Bước đầu chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, gian nan trong GPMB, thu hồi đất. Đây là trách nhiệm của địa phương.

“Tôi cho rằng tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, giải quyết tái định cư thành dự án thành phần mới đảm bảo được tiến độ cho toàn dự án”- bà Thanh khẳng định.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ, dự án đã được công bố quy hoạch hơn 10 năm rồi nên dân rất băn khoăn, lo lắng về công việc, cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp. Hoạt động của các DN cũng bị hạn chế. Nếu không sớm thu hồi GPMB thì rất lo phức tạp phát sinh, khó lường như giá đất lên cao. Hiện nay giá đất đã tăng từ 8-10 lần rồi, ảnh hưởng đến sau này hỗ trợ tái định cư.

Bên cạnh đó, về kinh phí, tính toán báo cáo Quốc hội khoá XIII là 18 nghìn tỷ, nay tính theo giá năm 2017 đã trượt giá lên 23 nghìn tỷ, nếu chậm giá còn tăng cao nữa, sẽ ảnh hưởng lớn đến vốn đầu tư.

“Bà con Đồng Nai mong muốn dự án nhanh được thực hiện để họ được ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất, có công ăn việc làm ổn định, lúc đó mới thấy bức tranh hoàn chỉnh cho dự án sân bay quốc tế Long Thành đẹp không chỉ cho Đồng Nai mà cho cả nước” – bà Thanh nói.

chu-tich

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 1/6

Quốc hội yêu cầu làm Long Thành sớm hơn

Tại phiên thảo luận tổ về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong kế hoạch đầu tư trung hạn, đã bố trí cho GPMB, thu hồi đất làm Long Thành là 5.000 tỷ đồng.

“5.000 tỷ so với nhu cầu 23.000 tỷ “không ăn thua gì”, nhưng trong quá trình quy hoạch làm sân bay, đã tính tới khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn cho đầu tư sân bay, nên chúng ta cũng còn phần dự phòng của đầu tư” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề cập đến tình trạng Tân sơn Nhất tắc đường khiến hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ máy báy, rất thê thảm. “Chúng ta đã tính năm 2025, Long Thành phải xong giai đoạn một, thì nay Quốc hội yêu cầu phải sớm hơn để giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Bây giờ nó đã quá tải ngay trước mắt chúng ta, từ trước tết Tân Sơn Nhất như mỗi nỗi ám ảnh cho những người đi máy bay. Dù rất gần nhưng người ta phải đi trước mấy tiếng đồng hồ vì sợ tắc đường” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc nếu càng làm chậm thì càng khó khăn, giá càng lên, dân cũng không yên tâm ổn định sản xuất vì dù biết chủ trương đầu tư nhưng không biết khi nào đi, đi chỗ nào, sống như thế nào…

Bà Ngân đồng tình tách ra dự án Long Thành thành nhiều dự án để cho kịp giai đoạn 1, cơ sở pháp lý là có vì chủ trương có rồi; kinh phí cũng bố trí rồi, dù chưa đủ nhưng cũng có phương án khai thác quỹ đất để tạo nguồn. 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng nêu quan điểm, để thực hiện được phương án này không nhất thiết phải sửa Nghị quyết 94 trước đó mà coi đây là một bước trong thực hiện nghị quyết này. 

Theo ông Lợi, việc đảm bảo tiến độ của dự án Long Thành rất quan trọng, nhất là để tránh phát sinh về vốn. “Nếu chờ Chính phủ quyết định đầu tư dự án chắc chắn phải kéo dài vì Chính phủ phải hoàn thiện tất cả thủ tục toàn thể dự án. Còn nếu chúng ta đi trước đón đầu thì sẽ giải quyết được cả 3 vấn đề: tiết kiệm, không tăng kinh phí, đáp ứng yêu cầu tiến độ” – ông Lợi lưu ý.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự  được thực hiện trên địa bàn 06 xã, gồm các xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn, thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; vị trí Dự án cách Thành phố Hồ Chí Minh 40 km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Biên Hoà 30 km về hướng Đông Nam; nằm bên cạnh Quốc lộ 51A và cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km.

Diện tích sử dụng đất của Dự án gồm 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha (diện tích này chưa bao gồm các khu tái định cư và nghĩa trang). Toàn bộ diện tích đất sử dụng của Dự án được tiến hành thu hồi một lần.

Về tổng mức đầu tư và nguồn vốn, khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.