Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ KH-ĐT) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Cơ quan có thẩm quyền đề nghị tiếp tục xác định rõ việc sử dụng vốn từ các Hiệp định vay và tổng mức đầu tư dự án Bến Lức - Long Thành để quá trình tiếp tục thi công dự án được thuận lợi - Ảnh minh họa
Đáng chú ý, tại văn bản này, Bộ KH-ĐT đã đề nghị Bộ GTVT làm rõ các vấn đề liên quan đến việc sử dụng vốn dư và tổng mức đầu tư dự án.
Cụ thể, đối với việc sử dụng vốn dư của Hiệp định vay ADB lần 2 số 3391-VIE để hoàn thành các công việc chưa thực hiện của Hiệp định vay lần 1 (các công việc để hoàn thành 21km đầu tuyến, tạo sự đồng bộ toàn tuyến cao tốc), Bộ KH-ĐT cho biết, Nghị định số 114/2021 của Chính phủ ngày 16/12/2021 đã quy định rõ: “Vốn dư chỉ được sử dụng sau khi đã bố trí đầy đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của dự án hoặc các hạng mục trong phân kỳ đầu tư đối với dự án gồm nhiều khoản vay phân kỳ”.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với tổng chiều dài dự án 57,8km, đi qua tỉnh Long An, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án là 31.320 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước.
Dự án khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2019. Song, quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách dẫn đến dự án không được bố trí vốn và phải dừng thi công từ năm 2019.
Theo báo cáo của VEC, đến nay, sản lượng thi công 11 gói thầu dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt khoảng 78,99% giá trị hợp đồng.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đối với 3 gói thầu đoạn phía Đông sử dụng vốn từ Hiệp định vay lần 2, giá trị hoàn thành mới đạt khoảng 52,38%. Trong đó, gói thầu A5 là 83,58%, gói A6 là 33,93% và gói A7 là 56,8%.
Căn cứ các dẫn chứng trên, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT làm rõ việc sử dụng vốn vay tại Hiệp định vay lần 2 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra của hiệp định vay hay chưa.
“Trường hợp chưa hoàn thành, chưa có cơ sở để xác định số vốn dư và khả năng sử dụng nguồn vốn này cho các công việc chưa được hoàn thiện của Hiệp định vay lần 1 theo đề xuất”, Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Đề cập đến tổng mức đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT cho biết thêm, theo Tờ trình số 5980 ngày 15/6/2022 của Bộ GTVT, nhiều gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 (A1, A2-2, A4, J1, J3,…). Trong đó, nhà thầu A6 đã đề nghị chấm dứt hợp đồng tại thư ngày 27/11/2020.
Công tác GPMB dự án hiện cũng còn 17 hộ thuộc đoạn tuyến phía Tây và 1 hộ thuộc đoạn tuyến phía Đông chưa hoàn thành. Một số công trình đường điện, hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được di dời.
Ngoài ra, thời gian qua, giá nguyên, nhiên, vật liệu cũng biến động mạnh. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại đang yêu cầu VEC phải trả khoản lãi phát sinh đối với khoản tiền hơn 5.334 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh Bộ Tài chính đã ứng trả cho các dự án của VEC.
“Để tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần, Bộ GTVT cần chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC để rà soát lại toàn bộ khối lượng công việc chưa hoàn thành, làm rõ các vướng mắc tồn tại. Kể cả các chi phí phát sinh đối với các nhà thầu phải dừng thi công hoặc chấm dứt hợp đồng để tính toán lại cụ thể tổng mức đầu tư dự án”, Bộ KH-ĐT đề nghị.
Liên quan đến việc triển khai cao tốc Bến Lức - Long Thành, tại văn bản trả lời cử tri tỉnh Long An mới đây (2/8/2022), Bộ GTVT cho biết đã có các báo cáo Chính phủ và thường xuyên làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ các vướng mắc của dự án.
Đến nay, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thông qua chủ trương tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn của dự án.
"Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan đang khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện thủ tục để bố trí vốn cho dự án; Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu phấn đấu triển khai thi công trở lại dự án trong quý 3/2022", Bộ GTVT thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận