Xã hội

Lãng phí trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập: Không để sáp nhập xong mới đi rà soát

12/09/2023, 06:45

Giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã.

Con số này chưa kể các huyện, xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Số lượng phải sắp xếp nhiều hơn

photo-1694463315555

Trụ sở Chi cục thuế TP Tân An, Long An nằm ở hai mặt tiền đường Trà Quý Bình và Trương Văn Bang nhưng bị bỏ không đã lâu.

Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ, giai đoạn năm 2023 - 2025, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã được tiến hành khẩn trương hơn, kỹ hơn, nhanh hơn. 

Giai đoạn này có một số khó khăn, như số lượng phải sắp xếp nhiều hơn giai đoạn trước; tiến hành sắp xếp đô thị, nhập một phần hoặc toàn bộ đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị...

Câu chuyện dư thừa và lãng phí trụ sở, tài sản công sau sáp nhập cần sớm được giải quyết, bởi đây cũng là sự lãng phí đầu tư công lớn.

Để hạn chế tình trạng này, khi sáp nhập cần phải tận dụng tối đa những trụ sở dôi dư. Nếu có thể làm trường học, nhà văn hóa thì cần phải được tận dụng, tránh bỏ hoang.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ngoài ra, lần sắp xếp này đặt ra yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Vì vậy, việc sắp xếp phải làm đồng thời với công tác quy hoạch.

Thực hiện kế hoạch, từ ngày 1/8, các địa phương bắt đầu triển khai cụ thể, kế hoạch sáp nhập đơn vị hành chính huyện, xã với lộ trình, phân chia thời hạn và từng việc cụ thể.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố có 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Khó khăn do "đất chật, người đông", nhưng ông Mãi khẳng định, TP.HCM sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động của việc sắp xếp này đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế - xã hội.

Đồng thời, chuẩn bị các phương án xử lý các phát sinh; tập trung tuyên truyền, có hình thức phù hợp trong việc lấy ý kiến người dân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. TP sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu, đồng thời phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương, nhất là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Hiện nhiều tỉnh, thành khác cũng đã có phương án sơ bộ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình, Lai Châu… Thậm chí như Quảng Ninh còn tự nguyện đề xuất sắp xếp một số đơn vị hành chính theo diện khuyến khích.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Quảng Ninh cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn năm 2023 - 2025, Quảng Ninh không tiến hành sáp nhập cấp huyện và có 12 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp. Hiện các huyện có đơn vị cấp xã dự kiến triển khai sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025 đã và đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền của tỉnh thẩm định và trình lên Trung ương xem xét.

Tỉnh Thanh Hóa hiện cũng đã hoàn thành việc rà soát thực trạng, xác định các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp và đến nay đã cơ bản hoàn thành phương án. Qua rà soát, toàn tỉnh có 269 xã, phường, thị trấn chưa đảm bảo tiêu chuẩn; trong đó giai đoạn 2023 - 2025 có 148 đơn vị; giai đoạn 2025 - 2030 có 121 đơn vị.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng chủ động triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cho giai đoạn 2023 - 2025, gồm một đơn vị cấp huyện và 42 đơn vị cấp xã.

Tỉnh Hòa Bình cũng đã gửi danh sách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023- 2025. Giai đoạn này, toàn tỉnh có 1 huyện có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; có 13 xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định thuộc diện sắp xếp.

Hạn chế tối đa tình trạng trụ sở dôi dư

photo-1694463316120

Công sở thị trấn Quan Sơn, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa bị bỏ hoang sau sáp nhập.

Bài toán giải quyết trụ sở dôi dư luôn được đặt ra trong kế hoạch sáp nhập đơn vị hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, tính toán để tham mưu UBND TP xem xét, quyết định chuyển công năng, mục đích sử dụng; hoặc tổ chức thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở dôi dư, không sử dụng do sắp xếp đơn vị hành chính.

Còn đại diện Sở Nội vụ Quảng Ninh chia sẻ, hiện địa phương đã báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý khối tài sản dôi dư theo hướng giao cho cấp xã quản lý hoặc để một số cơ quan, đơn vị sử dụng.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho hay, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đã có các quy định cụ thể nhằm giải quyết vấn đề trụ sở, tài sản công dôi dư, tránh lãng phí.

Cụ thể, ngay trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì UBND cấp tỉnh và các bộ, cơ quan trung ương phải đồng thời lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

"Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải vào cuộc sớm hơn, không đợi sau khi sắp xếp đơn vị hành chính xong mới tiến hành rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công mà phải tiến hành đồng thời", ông Tuấn lý giải.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, việc sắp xếp, xử lý tài sản sau sáp nhập đã được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện, nên các địa phương chủ động thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.

"Để khắc phục tình trạng trụ sở, tài sản bị bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính gây lãng phí như hiện nay, người đứng đầu địa phương ở các tỉnh, thành phố cần phải sát sao, quan tâm đúng mức.

Chính phủ đã giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện quản lý tài sản sau sáp nhập rồi thì người đứng đầu địa phương này cần phải thực hiện nghiêm túc, có vướng mắc cụ thể gì thì cần phải nhanh chóng báo cáo đến cấp thẩm quyền để có hướng giải quyết. 

Nếu địa phương nào buông lỏng, không thực hiện nghiêm túc thì cần phải kiểm điểm", ông Cừ nhìn nhận.

Kỳ 1: Những khối tài sản tiền tỷ phơi mưa nắng 
Kỳ 2: Loay hoay xử lý trụ sở dôi dư 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.