Gỡ "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông
Ngày 6/6, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP.HCM.
Tham gia thảo luận, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng 5 dự án giao thông trọng điểm trình ý kiến Quốc hội lần này là rất cần thiết, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án sau khi Quốc hội thông qua.
Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội cho hay, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận: TP Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7km). Do đó, việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng.
"Giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó TP Hà Nội 741ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường", ông Đinh Tiến Dũng cho biết.
Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu chỉ áp dụng một số cơ chế đặc biệt như cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cơ chế nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... trong 2 năm 2022 - 2023 là không phù hợp về thời gian, vì "chúng ta đã qua 6 tháng đầu năm 2022 rồi Quốc hội mới thảo luận để thông qua".
"Việc áp dụng Nghị quyết 43 vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là không phù hợp. Hiện nay TP Hà Nội đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, việc chi phí giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 cao so với một số dự án khác bởi dự án này quy hoạch từ năm 2011, hành lang đường Vành đai 3 đã đô thị hoá, các điểm công nghiệp cũng rất dày nên đất giải phóng mặt bằng có thể là đất nông nghiệp nhưng xen cài trong đô thị ở những vùng đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư đông...
Về chi phí xây lắp, TP.HCM căn cứ các quy định, định mức của Bộ Xây dựng và đã tính rất sát, nhất là các nút giao đã được tính toán rất kĩ và cắt bớt.
"Ban đầu dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 85.000 tỉ đồng, giờ rà soát rất kĩ giải phóng mặt bằng, chi phí xây lắp, giảm xuống gần 10.000 tỉ đồng - chỉ còn sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỉ đồng. Tới đây khi dự án khả thi sẽ tiếp tục rà soát. Các địa phương sẽ cố gắng không tăng tổng mức đầu tư, nếu có tăng sẽ dùng ngân sách địa phương cân đối để thực hiện", ông Mãi cho hay.
Ông Mãi khẳng định sau khi được Quốc hội thông qua, TP.HCM sẽ cùng các địa phương tổ chức làm những phần việc chi phí đền bù, giải quyết tạm cư trong thời gian chờ tái định cư, đào tạo nghề tạo sinh kế cho bà con.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, chỉ mong Quốc hội cho áp dụng chỉ định thầu các gói (trừ xây lắp) toàn thời gian dự án. TP.HCM sẽ lên kế hoạch cụ thể từng tuần, tháng để giám sát chặt chẽ thực hiện dự án này.
Thu phí cao tốc thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, đại biểu tỉnh Điện Biên cho rằng khi làm các dự án đường cao tốc, cần tính toán kỹ lưỡng bởi sẽ liên quan dự án BOT trước đây, đều có phương án tài chính vay vốn ngân hàng, tính toán lưu lượng để thu hồi vốn. Việc các dự án này triển khai sẽ bị chia lưu lượng và ảnh hưởng phương án tài chính, doanh nghiệp sẽ phải làm việc với ngân hàng để giãn thời gian vốn, nên cần có chính sách để không ảnh hưởng doanh nghiệp.
Với các dự án này, phương án vận hành chuyển nhượng quyền thu phí, nhưng theo ông Thắng, cơ chế này chưa có nên Chính phủ cần phải sớm trình Quốc hội có cơ chế chuyển nhượng. Gắn với đó cần có cơ chế phân bổ vốn giữa trung ương và địa phương để cùng có lợi. Việc nhượng quyền thu phí trong trường hợp không khả thi thì cần phải có phương án để chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ ngành có cơ chế thu để đảm bảo ngân sách.
Nêu quan điểm khác, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, cho rằng trong trường hợp nếu không thu phí, tài sản ta tạo ra từ 5 công trình này sẽ là tài sản quốc gia lớn, không chỉ là những hạ tầng giao thông đường bộ, mà còn mở ra không gian phát triển hai bên đường, tạo ra quỹ đất, mở ra các phương án kinh doanh, khu công nghiệp và mở rộng kết nối. Đặc biệt, trong trường hợp nếu không thu phí thì giá thành chí vận tải sẽ giảm đi, đặc biệt là hàng nông sản miền Tây có nhiều lợi ích hơn.
“Có thể tính toán lựa chọn bán quyền thu phí ở nơi có nhiều lưu lượng nhưng cũng không quá quan trọng về bán quyền thu phí” - ông Mạnh nêu thêm.
Đối với những lo ngại về khả năng thi công cũng như năng lực của nhà thầu trong nước, ông Mạnh cũng cho rằng hiện nay vận hành và chuyển động của doanh nghiệp rất nhanh. Đơn cử như tại miền Tây rất thiếu nguyên liệu cát, nên Cần Thơ đã làm việc với nhiều tập đoàn lớn để đầu tư nạo vét luồng hàng hải, cho tàu cát để ra vào cảng, việc mà trước đó nhiều năm không làm được do quy mô đầu tư quá lớn.
"Tôi tin rằng gói kích cầu này tạo điều kiện doanh nghiệp của ta mở rộng năng lực thi công, nên tôi không quan ngại về năng lực thi công", ông Mạnh cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận