Bộ GTVT vừa quyết định giao Cục Đường bộ VN lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B. Thời gian thực hiện trong năm 2023 - 2024.
Theo đó, Cục Đường bộ VN có trách nhiệm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 8 dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh kết nối giữa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tỉnh Phú Thọ); dự án nâng cấp, mở rộng QL15 đoạn từ Km 0+00 - Km 20+00 (tỉnh Hòa Bình); dự án nâng cấp, cải tạo QL12B đoạn qua tỉnh Hòa Bình.
Một đoạn QL34 đoạn qua Đèo Mã Phục tỉnh Cao Bằng - Ảnh: internet
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa QL10 và ĐH31 và dự án nâng cấp, mở rộng cầu vượt B49 qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên QL10 (TP Hải Phòng); dự án nâng cấp QL34 đoạn từ Đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247 - Km265) và dự án nâng cấp QL4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng); dự án nâng cấp, mở rộng QL37 đoạn từ Km 77+850 - Km 93+839 (tỉnh Hải Dương).
Bộ GTVT giao Cục Đường bộ VN có trách nhiệm tận dụng toàn bộ các kết quả đã nghiên cứu (nếu có) để tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án.
Theo thông tin của Báo Giao thông, Cục Đường bộ VN cũng vừa có quyết định giao Ban Quản lý dự án 3 lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nêu trên, hoàn thành, báo cáo Cục Đường bộ VN trong tháng 4/2023.
Được biết, với 2 dự án trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Sở GTVT địa phương cho biết: QL34 đoạn từ Đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh vào đến cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh về cơ bản đoạn tuyến không đáp ứng nhu cầu vận tải, làm giảm khả năng khai thác, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuyến đường được sử dụng từ lâu, nhiều đoạn bán kính đường cong nằm nhỏ, khuất tầm nhìn, cầu hẹp, cục bộ một số vị trí mất ATGT cho các phương tiện khổ lớn như xe tải, xe container, xe chở khách.
Từ đây, Sở GTVT Cao Bằng đề xuất đầu tư hơn 600 tỷ đồng nâng cấp đoạn tuyến này (18km) đạt quy mô đường cấp III miền núi.
Tương tự, QL4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng cũng không đáp ứng nhu cầu vận tải, làm giảm khả năng khai thác, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyến đường được sử dụng từ lâu, nhiều đoạn bán kính đường cong nằm nhỏ, khuất tầm nhìn, cầu hẹp, cục bộ một số vị trí mất ATGT cho các phương tiện khổ lớn như xe tải, xe container, xe chở khách.
Dự án được đề xuất đầu tư có chiều dài 43km, tổng mức đầu tư của dự án là gần 1.400 tỷ đồng.
"Việc đầu tư nâng cấp QL4A sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách về việc đầu tư mở rộng trên tuyến để đảm bảo ATGT, lưu lượng vận tải hàng hóa khu vực cửa khẩu. Tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, kết nối khu du lịch trọng điểm thác Bản Giốc và khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó", Sở GTVT tỉnh Cao Bằng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận