Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập tổ công tác của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của thành phố về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.
Theo đó, tổ công tác có 25 thành viên gồm: chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện và các giám đốc nhiều sở, ngành; tổ công tác do ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Tổ trưởng.
Khu tập thể tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) gần 50 năm tuổi được đánh giá ở mức 3 tình trạng nguy hiểm, tồn tại khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá huỷ kết cấu vẫn đang chờ kiểm định
Tổ công tác sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư.
Sở Xây dựng là cơ quan thường trực Tổ Công tác, chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng các quy định của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư, gửi tổ công tác để xem xét, đánh giá, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy trình, quy định.
Tổ công tác được sử dụng con dấu của Sở Xây dựng để phục vụ công tác; kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố đảm bảo theo quy định.
Tổ công tác tự giải thể sau khi quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư được cấp có thẩm quyền ban hành.
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện việc điều hành Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên Tổ công tác, ký các văn bản liên quan đến hoạt động của Tổ công tác.
Tổ phó Thường trực hoặc Tổ phó theo ủy quyền thay mặt Tổ trưởng Tổ công tác khi vắng mặt, thực hiện việc điều hành Tổ công tác; thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Tổ trưởng và chịu trách nhiệm về kết quả công việc theo sự phân công.
Các thành viên của Tổ công tác tham mưu, đôn đốc triển khai các công việc của Tổ công tác thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý của cơ quan do mình phụ trách.
Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, theo thống kê từ Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ, trong đó 25% thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm. 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa mới chưa đầy 3%. Các doanh nghiệp lần lượt “đến rồi đi” bởi những vướng mắc về cơ chế và thủ tục bồi thường.
Tính riêng tại Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960-1992, đã hết niên hạn sử dụng nhưng đến nay mới có 16 chung cư hoàn thành cải tạo, xây dựng mới, đưa vào sử dụng (chiếm hơn 1%).
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Đối tượng ở những nhà tập thể cũ là nhà được cấp cho thế hệ cán bộ công nhân viên chức, bộ đội, công an... những người gắn bó với giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Cho nên Nhà nước phải là chủ thể chính có trách nhiệm trong việc cải tạo chung cư cũ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận