Coi thường tính mạng hành khách
Liên quan đến việc "Xe hợp đồng Limousine Tràng An “lách luật” chở khách tuyến cố định" Báo Giao thông đăng ngày 22/8, quá trình ghi nhận thực tế, theo quan sát của PV Báo Giao thông, việc các xe Limousine Tràng An tùy tiện dừng, đỗ tại nhiều điểm để đưa, đón khách gây mất trật tự ATGT, nguy cơ TNGT.
Limousine Tràng An dừng đón khách dọc đường từ Ninh Bình đi Hà Nội ngày 18/8
Chưa kể, các xe trung chuyển hành khách của hãng xe này không đăng ký kinh doanh vận tải, không phù hiệu, do đó không được quản lý chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi tối đa cho hành khách.
Đáng chú ý, theo thông tin từ đăng kiểm, ngoài 3 trong 5 xe trung chuyển mà PV ghi nhận được hãng sử dụng trong ngày 18/8 mang BKS: 30F - 996.46, , 30F - 941.87, 30F - 991.67 có chủ sở hữu theo đăng ký là Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Tràng An (hãng xe Tràng An) thì 2 xe còn lại mang BKS 90A - 134.49, 30H - 681.59 lại thuộc chủ sở hữu cá nhân.
Cùng với việc Limousine Tràng An “núp bóng” xe hợp đồng chở khách tuyến cố định nên không có vé niêm yết cho từng khách, hãng cũng không làm hợp đồng vận chuyển với từng người, “tạo” thông tin “ảo” cho hành khách mà cụ thể theo ghi nhận của PV là năm sinh, không thực hiện việc kiểm chứng họ tên thực tế của hành khách khi đón.
Điều này đồng nghĩa với việc khi xảy ra sự cố không mong muốn trong quá trình di chuyển, hành khách sẽ không nhận được bất kỳ quyền lợi bảo hiểm nào, thậm chí có thể chịu cảnh “đá bóng” trách nhiệm giữa nhà xe với những chủ xe (theo đăng ký sở hữu là xe cá nhân nhưng được sử dụng để trung chuyển hành khách cho Limousine Tràng An).
Video tài xế xe Limousine Tràng An đón khách từ xe trung chuyển lên xe limousine đi Hà Nội và thu tiền trực tiếp từng hành khách
Chưa hết, trong suốt hành trình sử dụng dịch vụ vận tải của Limousine Tràng An theo cả 2 chiều Hà Nội - Ninh Bình và ngược lại trong ngày 18/8 và trước đó là ngày 1/7, PV và nhiều hành khách luôn trong trạng thái bất an khi tài xế xe limousine và xe trung chuyển của hãng xe này liên tục sử dụng điện thoại trao đổi với đồng nghiệp về lịch trình đón, trả khách hay thậm chí là vừa lái xe vừa thu tiền hành khách ngay khi di chuyển trên đường cao tốc.
Hành động này không chỉ vi phạm Luật GTĐB mà còn thể hiện sự coi thường tính mạng hành khách, vì vô cùng nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy một chút nếu gặp tình huống bất ngờ trên đường cũng rất khó xử lý, có thể gây ra va chạm, TNGT.
Tài xế xe trung chuyển của Limousine Tràng An buông cả 2 tay sử dụng điện thoại trong lúc lái xe, coi thường tính mạng hành khách
Khó xử lý hay buông lỏng trách nhiệm?
Sở GTVT Ninh Bình cho biết, trên địa bàn có khoảng 16 đơn vị, hộ cá thể kinh doanh vận tải do tỉnh ngoài cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng, du lịch, trong đó có Công ty CP Đầu tư thương mại Tràng An (Limousine Tràng An) với số lượng 9 xe loại 11 chỗ.
Ngoài ra, hãng xe này còn sử dụng thêm một số xe “vệ tinh” để tăng cường mỗi khi phương tiện gặp sự cố hoặc nhu cầu vận chuyển tăng.
Bên cạnh hình thức hoạt động trá hình tuyến cố định, việc “núp bóng” xe hợp đồng còn khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát về giá vé xe để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi có biến động về giá do ảnh hưởng của 1 số yếu tố, điển hình như xăng, dầu.
Theo Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Ninh Bình, hiện tượng xe khách trá hình trên địa bàn vẫn chưa được xử lý triệt để, khi lực lượng chức năng thiếu kiểm tra, giám sát, hiện tượng này lại tái diễn và biến tướng ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT, gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Cũng do loại hình xe hợp đồng chạy theo tuyến cố định như Limousine Tràng An, cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm.
Đồng thời, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng nhiều dẫn đến khó khăn trong công tác theo dõi việc cung cấp “thông tin hợp đồng” của các phương tiện.
“Thanh tra Sở GTVT Ninh Bình đang triển khai chuyên đề chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nói chung trên địa bàn, trong đó có cả loại hình xe hợp đồng, xe trá hình tuyến cố định.
Cơ quan này sẽ tập trung kiểm tra từ hiện trường, tại các văn phòng đại diện theo đăng ký, nếu phát hiện vi phạm đủ căn cứ sẽ lập biên bản xử lý.
Đồng thời tăng cường phổ biến pháp luật cho người dân để có lựa chọn sử dụng loại hình vận tải đủ điều kiện kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho bản thân” - đại diện TTGT Ninh Bình cho biết.
Đại diện TTGT Sở GTVT Ninh Bình cho biết, xe limousine Tràng An hoạt động trên địa bàn nhưng đăng ký kinh doanh nơi khác. Trong khi đó, lực lượng TTGT chỉ có thể xử lý những phương tiện dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định, không được dừng xe đang lưu thông trên đường để kiểm tra, xử lý gây khó khăn trong việc kiểm soát.
“Mặc dù Nghị định 10 đã có quy định quản lý loại hình xe hợp đồng tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lách luật, đón khách lẻ nhưng làm hợp đồng cả chuyến đi, thoả thuận với hành khách để “che mắt, chống chế” lực lượng chức năng khi kiểm tra”, đại diện TTGT Ninh Bình nói.
Cũng theo vị này, dù nắm bắt được những xe limousine hoạt động trên địa bàn theo hình thức trá hình xe khách tuyến cố định, thu tiền từng hành khách nhưng nếu không trực tiếp ghi nhận, thu thập bằng chứng thì rất khó chứng minh được hành vi này. Tuy nhiên, lực lượng TTGT không được sử dụng biện pháp nghiệp vụ này.
Trong khi đó, lực lượng công an có thể làm điều này lại cũng kêu khó vì những chiêu trò “lách luật” tinh vi của loại hình xe này.
Thậm chí, khi PV phản ánh việc những chiếc xe trung chuyển của Limousine Tràng An tập trung công khai tại vị trí chân cầu Non Nước (TP.Ninh Bình) đón khách từ những chiếc xe limousine để đưa về nhà một cách rầm rộ, thì CSGT TP Ninh Bình cũng cho biết rất khó để xử lý do nếu thấy bóng CSGT ở đó, những xe này sẽ “án binh bất động”.
Ngay cả khi dừng xe trên đường, do không đăng ký kinh doanh vận tải, không phù hiệu, trường hợp lái xe thoả thuận với hành khách là người nhà, cũng không có bằng chứng nào để chứng minh vi phạm.
Không thể phủ nhận rằng việc kiểm tra, xử lý vi phạm những nhà xe như Limousine Tràng An không hề dễ. Tuy nhiên, thiết nghĩ không thể vì khó mà không làm, không thể vì khó mà buông lỏng.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh vận tải công bằng, đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người dân, đảm bảo quy định pháp luật được thực thi, lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý loại hình vận tải này.
Sau phản ánh của Báo Giao thông, Bộ GTVT vừa tiếp tục có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn.
Đây là lần thứ 2 Bộ GTVT có văn bản này. Trước đó, ngày 15/7/2022, Bộ GTVT đã có Văn bản số 7161/BGTVT - VT về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn TP Hà Nội.
Để đảm bảo trật tự vận tải, công bằng, công khai, minh bạch trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, tổ chức giao thông có hiệu quả, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng của thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận