Đường sắt

Linh hoạt tìm giải pháp hỗ trợ lao động đường sắt khó khăn do dịch Covid-19

03/11/2021, 20:26

Công đoàn Đường sắt đề xuất tháo gỡ khó khăn từ chính sách để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vui mừng vì lần đầu được nhận hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước

Chia sẻ với PV Báo Giao thông trên chuyến tàu khách SE5 đang chạy vào TP.HCM hôm nay (3/11), Trưởng tàu khách Nguyễn Trường Thọ hồ hởi cho biết vừa nhận được tiền hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, được mức cao nhất 3,3 triệu.

img

Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh và Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN Mai Thành Phương trao túi an sinh công đoàn cho người lao động Xí nghiệp Toa xe Hà Nội

"Đây là khoản tiền đầu tiên tôi được nhận hỗ trợ từ Nhà nước kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay. Do ảnh hưởng dịch, ngành Đường sắt phải cắt giảm tàu, NLĐ (NLĐ) tại đơn vị phục vụ trên tàu như Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội phải nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động thường xuyên, đời sống rất khó khăn", anh Thọ nói và cho biết thêm: Bản thân anh đã có 6 tháng nghỉ không đi tàu, chỉ duy nhất tháng 9 được xếp đi tàu hàng, sau đó tháng 10 nghỉ và giờ tháng 11 mới được bố trí đi tiếp tàu khách. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng NLĐ trực tiếp phục vụ trên tàu như anh suốt thời gian qua không hưởng từ gói hỗ trợ an sinh nào của Chính phủ.

Hỗ trợ nếu có là nhờ tổ chức Công đoàn các cấp đã huy động nhiều nguồn chăm lo cho NLĐ. Như đối với nhân viên đi tàu hàng, do đi theo mô hình bong bóng, phải tự nấu ăn lấy khi ở trên tàu và ở nhà lưu trú, nên được hỗ trợ bữa ăn khoảng 50.000 - 60.000 đồng/người/ngày.

Đối những NLĐ khác được Công đoàn Đường sắt VN trao túi an sinh, gồm 10 kg gạo và chai dầu ăn. “Giá trị túi quà không lớn nhưng trong lúc khó khăn thế này, nhận được sự quan tâm như vậy, chúng tôi rất cảm động. Đặc biệt, anh em còn nhường cho các trường hợp NLĐ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Giàu cho nhau đã quý, lúc nghèo vẫn thương yêu, san sẻ càng quý hơn”, anh Thọ nói.

Ông Nguyễn Trọng Trung, Chủ tịch Công đoàn Trạm tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết, hiện đã có hơn 100 NLĐ thuộc trạm được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đây là những người có tên trong danh sách đi làm tháng 9 theo quy định ban đầu về đối tượng được hưởng. Hiện đơn vị đã lập danh sách các đối tượng còn lại để hưởng hỗ trợ này theo hướng dẫn mới.

“Công đoàn các cấp cũng vận dụng mọi nguồn, từ cá nhân đến chuyên môn, nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ, chia sẻ với NLĐ, vơi bớt được chút khó khăn nào hay chút đó, như các túi quà của các nhóm thiện nghiện, hỗ trợ của quỹ từ thiện công đoàn hoặc vận động kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài ngành. Riêng túi an sinh của công đoàn, trạm được phân bổ 430 túi, hiện đang gửi dần đến NLĐ...”, ông Trung nói.

Tìm mọi cách để NLĐ được hưởng hỗ trợ, giảm khó khăn

Ông Đoàn Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm tiếp viên đường sắt Sài Gòn (Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho biết, đợt dịch thứ tư Đoàn có 56 trường hợp NLĐ đang tạm nghỉ việc bị nhiễm dịch, là F0. Để hỗ trợ các trường hợp này, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã hỗ trợ mỗi trường hợp 3 triệu đồng; Đoàn tiếp viên hỗ trợ túi điều trị Covid.

img

Chuyên môn, công đoàn các cấp khen thưởng, động viên các tổ tàu Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam phục vụ tàu chuyên biệt đưa người dân từ TP.HCM về quê

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Hòa, Phó trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật Công đoàn Đường sắt VN cho biết, tính đến thời điểm đầu tháng 10, hơn 4 nghìn NLĐ phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc.

Trước tình hình đó, Công đoàn các cấp ngành Đường sắt đã chủ động phối hợp cùng chuyên môn tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì chạy tàu an sinh, tàu hàng song song với việc chủ động, tích cực phối hợp cùng chuyên môn kiến nghị, đề xuất giải pháp với các cơ quan, bộ ngành và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đáng chú ý, theo ông Hòa, hơn 6.000 lao động của Tổng công ty Đường sắt VN không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân là do các đơn vị vận tải dừng tàu do các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch, đề nghị dừng hoạt động vận tải khách đường sắt trên địa bàn. Trong khi đó, theo quy định đối tượng được hưởng phải là người lao động tại doanh nghiệp “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”.

Cũng như vậy, theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các đối tượng được hưởng không có đối tượng NLĐ đang tạm dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại thời điểm ngày 30/9/2021.

Hàng nghìn NLĐ của ngành Đường sắt không có việc làm, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do tàu khách phải dừng hoạt động trên toàn mạng lưới đường sắt cũng vì thế mà không được hưởng hỗ trợ.

Trước thực trạng này, Tổng công ty Đường sắt VN và Công đoàn Đường sắt VN đã tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Đến nay, một số nội dung đã được các cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, có hướng giải quyết. NLĐ đường sắt sẽ được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn mới...

“Các hoạt động thiết thực của tổ chức công đoàn đã góp phần động viên NLĐ yên tâm công tác, nỗ lực khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay”, ông Hòa cho hay.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.