Xã hội

Lò chế súng săn miền biên viễn giờ chỉ là ký ức

06/02/2022, 06:22

Nhiều năm nay, người Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã giã từ việc chế tạo súng săn.

Những lò rèn của đồng bào Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn đang đỏ rực lửa, nhưng không phải để chế tạo những bộ phận của khẩu súng săn, mà đang rèn nông cụ sản xuất.

Nhiều năm nay, người Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã giã từ việc chế tạo súng săn.

img

Ông Hờ Xía Dìa (bìa trái) cùng ông Giờ sửa cuốc cho người dân

Lửa vẫn đỏ giữa núi rừng biên viễn

Cơn mưa rừng ập đến bất ngờ trong chiều cuối năm khiến ngọn lửa trong lò rèn của ông Hờ Chắn Giờ (thợ rèn ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bập bùng, rực sáng hơn giữa núi rừng biên giới.

Đôi tay áo xắn lên quá khuỷu, chiếc cúc sát cổ mở phanh để lộ rõ những đường gân rắn rỏi và những thớ bắp cuồn cuộn như một lực sĩ, ông Giờ bình thản một tay cầm cần bơm đẩy lò, một tay cầm cây kìm đang kẹp chặt cái lưỡi cuốc ở trong lò.

Bàn tay khéo léo của ông Giờ lật qua lật lại, đến khi cả lưỡi cuốc đỏ rực như hòn than thì gắp ra, để lên đe rồi quai búa dùng chạm cắt gọt. Những cú quai búa của ông nhanh, gọn, thuần thục đến mức điêu luyện khiến lưỡi cuốc có cứng đến đâu cũng nhanh chóng bị cắt đứt.

“Cái lưỡi cuốc to bản quá, làm cỏ không tiện, dễ cắt nhầm phải cây trồng. Tôi gọt lại, để chiều người ta còn đi nương”, tiếng ông Giờ nói xen lẫn tiếng thụt lò phì phò và tiếng nổ lách tách của than củi trong bếp.

Nãy giờ đứng bên cạnh nhìn người cháu làm một mình, ông Hờ Xía Dìa, một thợ rèn giỏi của bản Tiền Tiêu như “ngứa nghề” đi đến bên cạnh, cầm cái kìm đang kẹp lưỡi cuốc cho người cháu quai búa.

Ông Dìa khoe: “Nghề rèn truyền thống của đồng bào người Mông ta có từ lâu đời. Nhiều sản phẩm của nghề rèn đã được trưng bày ở dưới Khu di tích quê hương Bác Hồ. Ta vinh dự được xuống dưới đó tham quan mấy lần rồi, tự hào lắm”.

Trong ký ức của ông Dìa, ông Giờ và người dân nơi đây, thì thứ làm nên thương hiệu cho nghề rèn Tiền Tiêu chính là súng săn. Giờ đây, nghề rèn Tiền Tiêu không còn ở giai đoạn hưng thịnh với sản phẩm súng săn nổi tiếng, nhưng vẫn còn vài chục hộ trụ lại với nghề và sản phẩm hiện chủ yếu là nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ liềm, cuốc, dao, búa…

“Bà con nay làm nương, chăn nuôi nhiều, nên cần nhiều nông cụ”, ông Hờ Chắn Giờ vừa nói, vừa cầm giới thiệu những sản phẩm dao, liềm sắc lẹm của nhà làm ra, giải thích: “Hàng làm ra bán chạy lắm, làm bao nhiêu hết bấy nhiêu, thép tôi đủ độ, lưỡi dao sắc ngọt thế này mà…”.

Súng săn chỉ còn là ký ức

img

Ông Hờ Chắn Giờ bên lò rèn truyền thống của đồng bào người Mông ở Kỳ Sơn, Nghệ An

Nhiều năm không còn làm súng săn, nhưng kể về cái thời hưng thịnh nhất của nghề ấy, ông Dìa sôi nổi hẳn lên. Ông cho biết, khâu khó nhất là làm cò.

Cái lẫy nho nhỏ thế nhưng rất tốn công mà không phải thợ làm súng nào cũng có thể chế tạo được. Phải tìm một loại đá đặc biệt, dễ đánh lửa để tôi miếng thép từ nhíp xe ô tô theo đúng trình tự kỹ thuật mới ra được lẫy cò.

“Còn nòng súng thì được làm từ vô lăng xe ô tô uốn thẳng. Dùng thép từ nhíp xe để làm mũi khoan thì mới “trị” được. Không tìm được vô lăng, gấp quá thì phải khoan thủng cả cái xà beng dài cả mét.

Mọi công việc đều được làm bằng thủ công nên phải hai, ba người thật khỏe, giỏi nghề, khoan miết 2 đến 3 ngày mới xong. Rồi còn phải mài nòng súng cho thật trơn giống như súng xịn, để đạn bay thẳng tắp, trách bị hóc (mắc kẹt)…”, ông Dìa tiếp mạch kể.

Khi được hỏi về thuốc súng, ông Dìa nói, “cũng to công lắm, không đơn giản tí nào đâu”. Nói đoạn, ông chỉ tay về phía ngọn núi xa xa nơi Cửa khẩu Nậm Cắn kể tiếp: Ngày trước, dơi bay kín hang đá. Người thợ phải trèo đèo lội suối rồi đi vào các hang sâu, nơi có nhiều phân dơi. Đem phân dơi trộn với tro bếp theo tỷ lệ nhất định rồi cho lên bếp rang thật khô.

“Chưa xong đâu, phải vào rừng tìm cây tồng xắp phẹ, đốt lấy than, giã nhỏ trộn cùng. Hỗn hợp trên lại được đưa lên bếp lửa rang thêm một lần nữa. Chừng nào thật khô thì bỏ vào cối giã. Phải ba người thật khỏe, giã cho đến khi mặt trời lặn mới thôi...”, ông Dìa cho biết.

Cũng theo ông Dìa, trước đây các thợ lò trong xã đều rèn súng săn, thế nhưng nay thì 100% bỏ cả. Những lò còn đỏ lửa chỉ rèn dao, liềm, cuốc… phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

“Từ ngày có chủ trương của Nhà nước, người Mông ta chấp hành nghiêm chỉnh. Đi săn bắn là tận diệt thú rừng, là vi phạm pháp luật. Vả lại, nghe người ta kể chuyện hai người bạn cùng đi săn, người này thấy động phía trước, tưởng là thú rừng, giơ súng, bóp cò, người bạn chết, sợ quá. Biết đâu trong số súng đó có súng do mình làm ra…”, ông Dìa cho hay.

Nói đến đây, giọng ông Giờ chùng xuống: “Trước đây, trong xã có nhiều lò rèn lắm nhưng công việc nặng nhọc, thu nhập thấp lại bấp bênh nên mọi người bỏ dần. Ngày nay, thu nhập từ lò rèn không làm giàu được nhưng cũng đủ ăn, ấy mà thế hệ trẻ không ai mặn mà với nghề ông cha để lại…”.

Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An thẳng thắn: “Hồi trước, không chỉ xã ta mà nhiều xã khác ở biên giới Kỳ Sơn nhiều súng săn lắm. Chỉ tính riêng trong xã Nậm Cắn đã có gần 10 lò chế tạo súng của đồng bào Mông rồi.

Nay thì ổn rồi, được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động… không ai làm súng săn nữa. Các lò rèn còn đỏ lửa thì chỉ sản xuất dao, liềm, cuốc… phục vụ sản xuất và sinh hoạt thôi”, ông Chày nói.

Một lãnh đạo Công an xã Nậm Cắn cho biết, để xóa sổ các lò chế súng săn trong dân bản, hàng năm Công an xã đều phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, công an huyện và cấp ủy, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời vận động người dân giao nộp súng tự chế còn tồn lại. Mới đây, Công an xã đã vận động người dân nộp được một số súng săn, đang chờ đi tiêu hủy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.