Xã hội

Sức sống hòa bình miền biên viễn

18/02/2019, 07:30

Thôn biên giới Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn có trên 400 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống.

img
Cầu Kỳ Cùng mới và những tòa nhà cao tầng đang mọc lên ở TP Lạng Sơn

Sau 2 năm kết nghĩa với bản Lũng Ghịu, thôn Khả Phong, trấn Hữu Nghị, thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc), người dân hai thôn bản có nhiều dịp gặp gỡ trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế.

Chị Hoàng Thị Phương, người dân thôn Cốc Nam cho biết: “Người Lũng Ghịu cũng như người Cốc Nam, chăm chỉ làm ăn, mong muốn hoà bình. Chúng tôi coi nhau là hàng xóm láng giềng, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.

Kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, mặc dù còn tồn tại những điểm khác biệt, song hợp tác và hữu nghị luôn giữ vai trò chủ đạo, mang tính tất yếu trong sự phát triển quan hệ hai nước, phù hợp nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực phát huy mối quan hệ: “Trao đổi hợp tác ở vùng biên”, triển khai thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh trên nhiều lĩnh vực, thương mại, đầu tư, quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu... Nhờ đó, hoạt động kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu qua địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước...”.

Ông Phạm Ngọc Thưởng
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Xóm Lũng Om, thuộc xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng và xóm Nà Cọn, thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc được chọn làm điểm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đầu tiên trên tuyến biên giới của tỉnh Cao Bằng. Hai xóm có chung đường biên giới là dòng sông Bắc Vọng. Cư dân hai xóm thường xuyên giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, khắc phục thiên tai, dịch bệnh… Vào những dịp lễ Tết, thường có những bữa cơm chung giữa đại diện cư dân hai xóm, thân thiết như những người bạn láng giềng.

Những mô hình điểm kết nghĩa cụm dân cư biên giới Việt Nam - Trung Quốc đang được thực hiện hiệu quả ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện Cao Bằng và Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện chương trình phát triển đối ngoại đa phương. Các đoàn công tác giữa hai địa phương thường xuyên hợp tác, học hỏi, giao lưu. Chương trình kết nghĩa hữu nghị được triển khai từ huyện tới thôn bản, như có huyện hữu nghị giữa Phục Hòa (Việt Nam) và Long Châu (Quảng Tây).

Ông Nông Văn Thảm, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Lạng Sơn cho biết, tháng 2/1979, chiến tranh biên giới kết thúc, để lại một khung cảnh hoang tàn, mất mát, thương vong. Từ chỗ nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, đảm bảo nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, Lạng Sơn đã từng bước xây dựng cơ sở kỹ thuật, quan hệ sản xuất, củng cố quốc phòng…

Trên tinh thần “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc (năm 1991) và quyết định mở cửa, Lạng Sơn đã xác định phát triển dựa trên đối ngoại toàn diện. Năm 1995 - 1996, khi xác định kinh tế cửa khẩu là mũi nhọn kèm theo là thương mại dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp, cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng, mở ra cánh cửa giao thương biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, sau đó có thêm cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, Chi Ma, Cốc Nam…Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 4 tỷ USD.

Trong năm 2018, cuộc gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư 4 tỉnh biên giới của Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang với Bí thư Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc lần thứ 3 đã diễn ra tại Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc nhằm thúc đẩy giao lưu, tăng cường hợp tác hiệu quả, thực chất giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Quảng Tây - một trong những địa phương biên giới trọng điểm của Trung Quốc.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2018, Trung Quốc là nhà đầu tư đứng thứ năm trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam với 787,5 triệu USD, chiếm 5,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Riêng du lịch, 10 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam với gần 4,2 triệu lượt khách, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2017...

Điểm nhấn trong buổi gặp mặt này chính là nhất trí thúc đẩy giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, xây dựng đường kết nối liên thông, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng nâng cấp các cửa khẩu, cặp chợ, du lịch qua biên giới, tiện lợi hóa thông quan, quản lý lao động qua biên giới, tư pháp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế, tài chính; Đưa kim ngạch thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và Quảng Tây hiện chiếm gần 25% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao hơn nữa.

Ngoài ra, các địa phương nhất trí kiến nghị Chính phủ hai nước sớm kết nối các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc giữa các địa phương, nhất là giữa Quảng Ninh và Lạng Sơn với Quảng Tây để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa được nhanh gọn, thuận tiện; tăng cường hợp tác giữa các cặp cửa khẩu, thí điểm cửa khẩu một điểm dừng, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa trong nước cũng như kéo dài thời gian thông quan hàng hóa vào giai đoạn cao điểm; khuyến khích các doanh nghiệp của Quảng Tây đầu tư vào Việt Nam nhất là những doanh nghiệp có thực lực với trình độ kỹ thuật cao, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Tại sự kiện này, TP Hạ Long và TP Quế Lâm (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận về thiết lập quan hệ hữu nghị; Tỉnh Quảng Ninh và TP Phòng Thành ký biên bản làm việc về các nội dung cụ thể trong thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới; Tỉnh Hà Giang và TP Bách Sắc ký thỏa thuận về việc mở lối mở Lũng Lan - Lũng Bình; Tỉnh Lạng Sơn và TP Sùng Tả ký bản ghi nhớ về cơ chế hợp tác cùng xây dựng biên giới bình yên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.