Lỗi hệ thống
Trong báo cáo, Tổng thanh tra Bộ GTVT Mỹ đề cập đến một loạt điểm yếu trong quá trình giám sát của FAA đối với dây chuyền sản xuất Boeing 737 và 787. Cơ quan này đánh giá đây là lỗi hệ thống và đưa ra 16 khuyến nghị để FAA cải thiện.
Bản báo cáo tạo thêm áp lực nặng nề và gây thêm nghi ngờ về uy tín của cơ quan hàng không hàng đầu thế giới, khi FAA đã hứng chỉ trích từ đầu năm nay liên quan đến vụ cửa phụ trên máy bay Boeing 737 (hãng hàng không Alaska Airlines) bị bung giữa trời khi qua thành phố Portland. Nguyên nhân là do tấm cửa bị lắp đặt lỏng lẻo.
Thời điểm đó, tuy máy bay đã hạ cánh kịp thời nhưng vụ việc là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn.
Tổng thanh tra Bộ GTVT Mỹ chỉ ra, FAA không có hệ thống giám sát hiệu quả từng nhà máy của Boeing; không đảm bảo Boeing giải quyết hiệu quả vấn đề liên quan tới các nhà cung cấp. FAA chưa đánh giá mức độ hiệu quả của hệ thống quản lý an toàn của Boeing (bao gồm an toàn sản phẩm và an toàn tại nơi làm việc).
"Nếu cải thiện mô hình giám sát, giải quyết các rủi ro tốt hơn thì FAA đã có thể giúp cải thiện hệ thống đang gặp sự cố và khôi phục niềm tin của người dân đối với an toàn trên máy bay Boeing", báo cáo cho biết.
Câu hỏi dành cho FAA
Trong báo cáo, cơ quan giám sát cũng tập trung đánh giá chính sách kiểm tra, giám sát của FAA với Boeing. Theo đó, FAA đã thực hiện 18 cuộc kiểm tra/năm và cứ sau 2 năm lại thực hiện các cuộc kiểm tra hệ thống chất lượng chuyên sâu đối với Boeing và các nhà cung cấp của hãng.
Song cơ quan giám sát đánh giá chính sách này "không phù hợp với một nhà sản xuất lớn và phức tạp như Boeing".
Tính trong giai đoạn từ năm 2021-2023, FAA đã thực hiện hơn 300 cuộc kiểm toán tại các cơ sở của Boeing. Trong đó, gần một nửa số cuộc kiểm toán tập trung kiểm soát quy trình sản xuất hoặc kiểm tra và thử nghiệm.
Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề trong khâu sản xuất vẫn tiếp diễn ở cả Boeing và các nhà cung cấp của hãng. Do đó, câu hỏi được đặt ra là liệu các cuộc kiểm toán của FAA có thực hiện đầy đủ những mục tiêu đề ra hay không?
Cơ quan giám sát cũng phát hiện FAA đã không sử dụng dữ liệu có sẵn của Boeing để rà soát, tập trung kiểm tra vào những khu vực có rủi ro cao nhất trong các nhà máy, chẳng hạn như tập trung vào các dây chuyền sản xuất thường phải sửa đi sửa lại.
Báo cáo còn cho thấy các thanh tra viên thường có phạm vi kinh nghiệm hẹp nên chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực chứ không kiểm tra bao quát.
"Nếu không giải quyết những vấn đề này để thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện nhằm xem xét hoạt động sản xuất của Boeing, FAA có thể không biết các vấn đề sản xuất hoặc có thể lỡ cơ hội xác định các lĩnh vực có rủi ro đáng kể", báo cáo nêu.
FAA, Boeing nói gì?
Trước thông tin trên, FAA khẳng định họ có kế hoạch thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của tổng thanh tra trong giai đoạn từ năm 2025-2028.
Đồng thời, FAA cho biết Boeing đã nộp bản kế hoạch toàn diện vào tháng 5, kỳ vọng mở ra chương mới để đảm bảo thực hiện và đổi mới trọng tâm, tập trung vào an toàn tại Boeing.
Về phần mình, Boeing cho biết đang triển khai kế hoạch an toàn và chất lượng (đã được đệ trình lên FAA) và nhiều đề xuất tổng thanh tra đưa ra đều đã có trong kế hoạch này.
"Chúng tôi tiếp tục hợp tác minh bạch với các cơ quan quản lý và các bên liên quan khác để cải thiện chất lượng, độ an toàn và lấy lại niềm tin của người dân.
Trong kế hoạch, chúng tôi nhấn mạnh đến đào tạo lực lượng lao động, đơn giản hóa kế hoạch sản xuất, củng cố khuyết điểm, nâng cao văn hóa an toàn và chất lượng cũng như giám sát toàn bộ hệ thống sản xuất bao gồm cả các nhà cung cấp", Boeing khẳng định.
Nhiều nghị sĩ Mỹ lên tiếng chỉ trích
Theo báo Seattle Times, Quốc hội Mỹ đã tăng cường giám sát với Boeing kể từ sự cố bung cửa máy bay của hãng Alaska Airlines, nhưng liệu sự giám sát đó có thúc đẩy Chính phủ Mỹ thay đổi hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth, Chủ tịch Tiểu ban an toàn hàng không của Thượng viện nhận định, báo cáo của Tổng thanh tra Bộ GTVT một lần nữa củng cố những nhận định của bà về việc FAA chưa tạo đủ áp lực buộc Boeing phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề an toàn.
Bà Duckworth cho biết: "Là cơ quan liên bang chịu trách nhiệm đảm bảo Boeing cải thiện văn hóa an toàn, FAA rõ ràng phải nỗ lực để bảo vệ người dân khi sử dụng phương tiện hàng không. Tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ với những nhiệm vụ đó".
Thượng nghị sĩ Maria Cantwell cho rằng, báo cáo đã phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong quá trình giám sát của FAA.
"An toàn hàng không là điều không bao giờ có thể thương lượng. Quốc hội nên yêu cầu FAA chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn an toàn giám sát hàng không cao nhất. Tôi rất mong nhận được phản hồi từ lãnh đạo FAA Michael Whitaker về cách ông sẽ giải quyết và khắc phục những vấn đề trên", bà Cantwell nói.
Trong phiên điều trần với các nhà lập pháp vào cuối tháng 9 vừa qua, Giám đốc FAA Michael Whitaker thừa nhận cách FAA thanh tra, kiểm tra các hãng sản xuất máy bay còn quá lỏng lẻo và chỉ ở chế độ phản ứng chứ chưa chủ động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận