Vào mùa nước nổi (tức tháng 7, tháng 8 âm lịch), cây điên điển thường trổ bông ở các triền đê, ven sông của các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Từ bao đời nay, bông điên điển được người dân vùng sông nước khéo léo kết hợp, tạo nên những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Ngoài ra, đây cũng là loài cây có nhiều dược tính giúp hỗ trợ chữa trị nhiều căn bệnh.
Giàu dinh dưỡng, bông điên điển mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Bông điên điển có màu vàng mọc thành chùm, mỗi chùm có 8 - 10 hoa to, chứa chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Theo nhiều nghiên cứu, lá điên điển (khô) có chứa protid 26.30g, lipid 4.2g, glucid 39.2g và cellulose 14.6g. Ngoài ra, lá này rất giàu chất saponins, một ít chất tanin và các polyphenol khác có tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Theo đông y, bông điên điển có vị ngọt, đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dưỡng tâm an thần, nhuận trường, lợi tiểu.
Dược liệu này thường được dùng trong các trường hợp cảm sốt do phong nhiệt, mụn nhọt, táo bón, mất ngủ, ăn uống kém và chế biến món ăn ngon như dưa chua, nấu canh, làm gỏi trộn thịt gà,...
Dưa chua bông điên điển giòn ngon, lạ miệng lại giàu dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình.
Một số món ăn ngon từ bông điên điển:
1. Muối dưa chua bông điên điển
Món dưa bông điên điển vừa có vị chua chua, ăn giòn giòn lạ miệng, vừa có tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận trường, giải nhiệt, lợi tiểu.
Chuẩn bị số lượng bông điên điển tùy thích cùng phần nước vo gạo, muối và đường.
Bông điên điển rửa sạch, để ráo, cho vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh. Lấy phần lắng trong của nước vo gạo pha với muối và một xíu đường rồi đổ vào hũ cho ngập xâm xấp mặt bông, dùng lá chuối hoặc lá môn đã rửa sạch, để ráo nước, đậy kín hũ.
Sau 3 ngày là đã có bông điên điển muối chua, ăn kèm với mắm kho lạt hay cá linh kho mía. Ngoài ra, có thể thêm một số giá đậu xanh hoặc bông súng, vào để làm dưa đều được.
2. Canh chua cá nấu bông điên điển
Bông điên điển nấu cùng cá tươi, kèo nèo, rau nhút chắc chắn sẽ tạo nên món canh chua vô cùng hấp dẫn.
Chuẩn bị 300g bông điên điển, 200g cá rô đồng, 100g cà chua bi, 100g giá đậu xanh, 1 vắt me (hoặc 50g me xanh), rau thơm, ớt trái và gia vị.
Cá làm sạch, đánh vẩy, cắt khúc vừa ăn; bông điên điển rửa sạch; kèo nèo, rau nhút rửa sạch.
Cho ít dầu vào chảo, phi thơm tỏi, cho cá vào xào nhanh. Sau đó, cho nước vào nấu sôi, cho nước cốt me, nêm gia vị vừa ăn.
Khi cá chín bạn cho rau nhút, kèo nèo nấu thêm ít phút cho bông điên điển vào thì tắt bếp, múc ra tô và trang trí thêm rau thơm với vài lát ớt là hoàn thành món ăn.
Bánh xèo bông điên điển ăn cùng các loại rau sống, chấm với nước mắm chua ngọt.
3. Bánh xèo bông điên điển
Chuẩn bị 300g bông điên điển, 250g tép sông, 1 gói bột bánh xèo, 150g củ sắn, 1/2 chén nước cốt dừa, 1/2 muỗng cà phê bột nghệ, 100g hành lá và giá, cùng rau sống ăn kèm.
Củ sắn thái nhỏ thành miếng dài, mỏng; bông điên điển tước bỏ bớt phần cọng, rửa sạch, để ráo; tôm đất bỏ đầu, bóc vỏ, chừa đuôi, ướp với ít bột nêm, tiêu.
Cho bột bánh xèo vào thau, đổ nước vào (theo tỉ lệ ghi trên bao bì), khuấy đều thêm 1/4 thìa cà phê bột nghệ, 1/2 nước cốt dừa, 1 thìa cà phê muối và 1/2 thìa cà phê đường, hành lá xắt nhỏ, hòa đều.
Làm nóng khuôn bánh, cho 1 ít dầu vào, đổ bột vào, để tôm và bông điên điển lên trên. Vặn lửa nhỏ cho đến khi viền bánh vàng giòn là được.
Bánh xèo bông điên điển ăn cùng với các loại rau sống, chấm cùng với nước mắm chua ngọt quá tuyệt vời. Cách làm này cũng có thể áp dụng làm bánh khọt bông điên điển đều rất ngon và đẹp mắt.
4. Trứng xào bông điên điển
Bông điên điển xào trứng là món ngon có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ dinh dưỡng, phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường.
Chuẩn bị 100-200g bông điên điển, 2-3 quả trứng vịt và một ít gia vị.
Bông điên điển nhặt rửa sạch, để ráo; hành lá rửa sạch, xắt nhỏ; trứng vịt đập vào tô, nêm ít nước mắm, tiêu, bột ngọt, một ít hành lá xắt nhỏ rồi đánh đều, để sẵn.
Cho dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng thì cho hành tím vào phi vừa vàng, trút bông điên điển vào trộn đều.
Sau đó, đổ trứng vào, để trứng vàng mặt, rồi lật qua mặt sau, khi trứng vàng đều thì trút ra đĩa, rắc ít tiêu và rau ngò lên trên. Dùng món ăn này khi còn nóng trong bữa cơm.
Bông điên điển có thể xào thịt bò, xào trứng đều rất ngon
5. Dừa nạo trộn bông điên điển
Đây là món ăn mang đậm “hương đồng cỏ nội” với vị giòn, thơm, bùi, béo lại có tác dụng dưỡng tâm, an thần, nhuận trường, rất tốt cho người thường bị nóng trong người, mất ngủ, dễ bị mụn nhọt.
Chuẩn bị khoảng 200g bông điên điển nhặt rửa sạch, để ráo nước; nạo 1/2 trái dừa khô, trộn chung với bông điên điển cho đều rồi múc ra đĩa.
Đem chưng mắm hoặc nước tương, khi đang nóng thì trút vào đĩa bông điên điển và dừa nạo rồi trộn đều để ăn.
Với những công dụng của bông điên điển kể trên thì bạn đã phần nào đã hiểu rõ các những lợi ích sức khỏe mang lại khi sử dụng loại bông này trong các món ăn đậm chất sông nước miền Tây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận