Trong giai đoạn chuyển từ mùa xuân sang hè nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu do khí hậu thay đổi và khả năng thích ứng của cơ thể khác nhau.
Vào giai đoạn này, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp để tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật trở nên quan trọng.
Món ăn từ loại rau này không chỉ thơm ngon mà còn có tác dụng kháng khuẩn, diệt khuẩn, chống viêm, nhuận tràng, giúp bạn khỏe mạnh trong thời tiết giao mùa.
1. Mực khô xào ngồng tỏi
Ngồng tỏi vốn được mệnh danh là "kháng sinh tự nhiên" có nguồn gốc từ thực vật. Do có chứa 2 chất diệt khuẩn là capsaicin, allicin nên khả năng diệt khuẩn của ngồng tỏi rất mạnh. Khả năng diệt khuẩn của capsaicin có thể đạt 1/10 so với penicilin.
Bên cạnh đó, allicin còn có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư và có thể giúp giảm lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp. Nó có thể giúp cơ bắp phục hồi sau khi tập luyện và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
Ngồng tỏi cũng rất giàu chất xenlulozo, giúp kích thích ruột già đào thải chất cặn bã và ngăn táo bón. Ngoài ra, nó cũng chứa lượng lớn vitamin C nên có thể giúp bảo vệ gan và giải độc cơ thể.
Bổ sung ngồng tỏi thường xuyên vào chế độ ăn uống vừa có tác dụng diệt khuẩn và kí sinh trùng gây bệnh, đồng thời cũng giúp làm sạch đường ruột, tẩy giun và ngăn ngừa bệnh cúm.
Nguyên liệu
2 con mực khô lớn, 500g ngồng tỏi, 2 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, 2 gam muối, 1 thìa rượu nấu ăn, 4 lát gừng, 2 quả ớt khô, 1 nắm nhỏ hạt tiêu, lượng dầu ăn thích hợp.
Cách làm
Mực khô ngâm qua đêm, sau đó thay nước, thêm 1 thìa cốt chanh vào ngâm tiếp trong khoảng 2 tiếng. Có thể rửa thêm một vài lần sau đó loại bỏ lớp màng của mực, dùng dao khía mực theo đường chéo nhau để tạo hình hoa, cắt thành từng miếng nhỏ.
Ngồng tỏi rửa sạch, xắt nhỏ. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào và đun nóng rồi cho gừng thái sợi, hạt tiêu và ớt khô xắt miếng vào xào cho đến khi dậy mùi thơm.
Tiếp theo cho mực và rượu nấu ăn vào xào cùng để khử mùi tanh. Khi từng miếng mực cuộn tròn thì thêm nước tương, dầu hào xào đều cho thấm gia vị rồi thêm ngồng tỏi đã xắt nhỏ vào, nêm thêm chút muối cho vừa khẩu vị rồi xào thêm khoảng 2 phút là xong.
Mực khô xào ngồng tỏi là món ăn rất đưa cơm. Món ăn có vị giòn mềm, ngọt ngon của thịt mực hòa quyện với vị cay cay của ớt và tiêu. Thêm vào đó là hương vị thơm giòn sần sật của ngồng tỏi khiến món ăn trở nên vô cùng tuyệt vời.
2. Gà trộn hành tây
Hành tây là loại thực phẩm có chứa 25 loại chất chống oxy hóa flavonoid khác nhau. Các chất chống oxy hóa này giúp ngăn chặn quá trình dẫn đến tổn thương tế bào gây ra các bệnh như ung thư, tiểu đường và bệnh tim.
Trong hành tây cũng có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella. Chất quercetin chiết xuất từ hành tây là một cách đặc biệt mạnh mẽ để chống lại vi khuẩn.
Hành tây cũng là một nguồn giàu chất xơ và prebiotic, cần thiết cho sức khỏe đường ruột tối ưu.
Bên cạnh đó trong củ hành tây cũng rất giàu prebiotic inulin và fructooligosacarit. Đây là những thứ giúp tăng số lượng vi khuẩn thân thiện trong ruột của bạn và cải thiện chức năng miễn dịch.
Nguyên liệu
150g ức gà, nửa củ hành tây, 10g dấm, 10g nước tương, 2g muối, lượng dầu ớt vừa đủ, 1g bột tiêu, 3g tỏi băm.
Cách làm
Ức gà rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng. Tiếp theo thêm một ít nước tương và bột tiêu vào thịt gà rồi ướp trong 10 phút.
Cho thịt gà vào nồi hấp khoảng 8-12 phút, không nên hấp quá lâu sẽ khiến thịt gà trở nên khô và khi ăn sẽ kém ngon hoặc có thể đem áp chảo. Thịt gà thái thành các miếng nhỏ. Hành tây cắt thành sợi rồi cho vào tô nước lạnh ngâm trong khoảng 5-10 phút để khử hăng.
Cho hành tây vào tô, thêm thịt gà đã cắt miếng nhỏ vào một bát. Cho tất cả các nguyên liệu gia vị gồm giấm, muối, dầu ớt, tỏi băm, nước tương vào trộn đều để được hỗn hợp nước sốt. Sau đó bạn rưới nước sốt vào tô thịt gà, hành tây, trộn đều và ướp một lúc cho ngấm trước khi dùng.
Món thịt gà trộn hành tây thơm ngon hoàn thành chỉ với vị chua, cay, ngọt hòa quyện cùng thịt gà càng làm cho món ăn thêm phần ngon. Bạn có thể ăn món này kèm với bánh phồng tôm hay ăn cùng cơm đều ngon.
3. Tôm xào mướp đắng
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt (giải nhiệt), sáng mắt... Mướp đắng cũng góp phần làm mát tim, nhuận tràng.
Trong trái mướp đắng có chứa lượng lớn các chất cần thiết cho cơ thể như: chất xơ, Canxi, Kali, Photpho, các nhóm vitamin B gồm: vitamin B9, B3, B5, B6, B2, B1; đặc biệt vitamin C trong mướp đắng rất cao giúp củng cố hệ miễn dịch.
Mướp đắng cũng được cho là hoạt động như một chất chống oxy hóa và chứa các đặc tính chống viêm, chống ung thư, chống tiểu đường, kháng khuẩn, chống thừa cân, béo phì và điều hòa miễn dịch.
Nguyên liệu
1-2 quả mướp đắng, 100g tôm, 10g nước tương, 2g muối, lượng dầu ăn thích hợp, một ít rượu nấu ăn, 3g tỏi băm.
Cách làm
Tôm rửa sạch, loại bỏ đầu, bóc vỏ và lấy sạch ruột (chỉ tôm) rồi để sang một bên. Mướp đắng rửa sạch, cắt đôi theo chiều dọc, lược bỏ hạt rồi xắt thành từng lát mỏng.
Đun nóng dầu ăn trong chảo rồi thêm tỏi băm vào xào cho tới khi dậy mùi thơm. Tiếp đó cho tôm vào xào nhanh đến khi đổi màu thì trút mướp đắng vào tiếp tục xào.
Nêm thêm rượu nấu ăn và muối vào rồi xào một lúc thì rưới nước tương, đảo đều rồi tắt bếp là có thể cho ra đĩa thưởng thức.
Bước vào những ngày hè, thời tiết rõ ràng nóng và oi bức hơn rất nhiều. Lúc này nhất định phải ăn gì đó để thanh nhiệt, giải nhiệt. Mướp đắng là một lựa chọn tốt. Món ăn từ loại quả này làm tuy đơn giản nhưng có tác dụng như vị thuốc bổ máu, chống viêm, sốt, tăng thị lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận