Sẵn máy móc, “đói” mặt bằng
Tính đến trung tuần tháng 5/2023, dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ vẫn chưa đáp ứng công tác đắp đê, tôn tạo bãi thuộc gói thầu CV-A2.7-NDTDP. Ảnh: Tạ Hải
Gần 20 tháng kể từ ngày khởi công gói thầu đầu tiên (XL8), Dự án tăng cường kết nối giao thông miền núi phía Bắc đón tín hiệu vui khi kết quả giải ngân vốn đến tháng 5/2023 đạt trên 100% kế hoạch đăng ký với Bộ GTVT.
Đại diện Ban QLDA 2 thông tin, với tổng số vốn hơn 685 tỷ đồng (vốn ODA gần 448 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 237 tỷ đồng) được giao năm 2023, tính đến nay, khối lượng giải ngân của dự án đã đạt 200 tỷ đồng. Trong đó, 80% giá trị giải ngân từ công tác xây lắp.
Dù nguồn lực huy động cho toàn công trường đang vượt 20-30% so với yêu cầu hợp đồng nhưng vướng mắc về vấn đề mặt bằng lại cản trở sự bứt tốc của dự án.
Đơn cử, trên địa phận tỉnh Lai Châu, tổng chiều dài dự án đi qua là 82,5km. Tính đến nay, địa phương mới bàn giao được gần 55km. Hơn 27km còn lại chưa được bàn giao (trong đó có khoảng 10km mặt bằng phải chờ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng).
Trong 64,4km chiều dài dự án đi qua địa phận tỉnh Lào Cai, địa phương mới bàn giao được 10,7km, còn lại gần 54km (trong đó có hơn 20km mặt bằng chờ phê duyệt thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng).
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chiều dài dự án đi qua là 53km. Đến nay, địa phương mới bàn giao mặt bằng 26,5km.
Không chỉ gặp khó trong thủ tục chuyển đổi rừng, việc tổ chức thi công cũng đang gặp rào cản lớn bởi tình trạng chậm di dời hạ tầng kỹ thuật do việc bố trí vốn cho các đơn vị điện lực địa phương bị chậm.
Nghiêm trọng nhất là gói thầu XL1 còn vướng hạ tầng kỹ thuật 14/19,5km; gói XL2 vướng 12/21,5km; gói XL6 vướng 2,5/13,5km; gói XL8 vướng 2km; gói XL9 vướng 1,5km; gói XL10 vướng 7km.
Mặt bằng cũng đang tạo ra thách thức lớn đối với tiến độ giải ngân của dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ.
Theo ông Lê Quang Thảo, Giám đốc điều hành dự án, năm 2023, dự án được giao kế hoạch vốn 295 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến hết tháng 5, khối lượng giải ngân của dự án là hơn 71 tỷ đồng. Thực tế đến nay, giá trị giải ngân của dự án đạt gần 77 tỷ đồng.
“Tuy vậy, khó có thể duy trì bám sát kế hoạch nếu tồn tại về GPMB không được giải quyết dứt điểm”, ông Thảo nói và cho biết, với công trình cầu Đa Phúc, đến tháng 3/2023, nhà thầu mới nhận được mặt bằng thi công phía tỉnh Thái Nguyên và phần đầu cầu phía TP Hà Nội. Phần đường phía TP Hà Nội vẫn chưa có mặt bằng sạch (còn khoảng 1.076m2), dự kiến có thể bàn giao trong tháng 7/2023.
Tại công trình cầu Đoan Hùng, phần mặt bằng đã nhận bàn giao không thể thi công toàn bộ phần đường do địa phương chưa hoàn thành công tác tái định cư và đền bù cho một số hộ dân. Toàn tuyến vẫn còn 6 hộ chưa bàn giao mặt bằng, đường điện chưa di dời.
Gặp khó nếu địa phương không giữ cam kết
Ông Lê Quang Thảo cho biết, theo cam kết từ phía địa phương, mặt bằng thi công cầu Đoan Hùng sẽ được bàn giao trước 10/6/2023; Mặt bằng phần đường cầu Bến Mới (gần 1,6km), địa phương dự kiến 30/6/2023 bàn giao 80% và đến 15/7/2023 mới bàn giao toàn bộ.
Ban điều hành đã chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công trên diện tích công địa được bàn giao. Tuy nhiên, đến thời điểm địa phương cam kết mà vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, kế hoạch giải ngân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Tại dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc, đại diện Ban QLDA 2 nhận định, tiến độ GPMB chưa đáp ứng được yêu cầu xuất phát từ hai nguyên nhân chính: số lượng cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất của một số địa phương hạn chế, trong khi diện tích GPMB dự án lớn và trải dài (hơn 100ha) đang chờ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
“Để dự án bám đuổi được kế hoạch giải ngân và đảm bảo thời gian về đích năm 2024, các địa phương cần tăng cường nhân lực, đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án trong tháng 6/2023 theo cam kết ban đầu. Chậm nhất đến tháng 9/2023, vướng mắc về mặt bằng thi công phải được giải quyết dứt điểm”, đại diện Ban QLDA 2 chia sẻ.
Riêng về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hiện các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái đã có quyết định đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng và hoàn chỉnh báo cáo, hồ sơ gửi về Bộ NN&PTNT.
Dự kiến, đầu tháng 6/2023, Bộ chuyên ngành sẽ hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trượt tiến độ vì nhà thầu chậm
Bên cạnh khó khăn về mặt bằng, nhiều dự án ODA giao thông khác lại đang chậm trễ tiến độ bởi nhà thầu chưa tập trung nguồn lực triển khai.
Đặc biệt quan tâm đến dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ sắp đến thời gian về đích (tháng 6/2023) và dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đánh giá, tiến độ thi công còn rất chậm.
Tính đến trung tuần tháng 5/2023, dự án Kênh nối Đáy - Ninh vẫn chưa đáp ứng công tác đắp đê, tôn tạo bãi thuộc gói thầu CV-A2.7-NDTDP chủ yếu là do nhà thầu thi công chậm.
Với dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, hạng mục xử lý nền đất yếu đóng vai trò quyết định tiến độ dự án cũng trong tình trạng trượt tiến độ.
Để đáp ứng yêu cầu tiến độ về đích/giải ngân, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã yêu cầu các đơn vị QLDA quyết liệt xử lý theo quy định của hợp đồng, điều chuyển nhà thầu làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Trong khi đó, tại dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên, ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc điều hành dự án cho biết, năm 2023, dự án được bố trí hơn 638 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng giải ngân đạt 291 tỷ đồng (45,6%), vượt so với kế hoạch.
Dù vậy, lãnh đạo ban điều hành dự án vẫn tỏ ra lo lắng khi gói thầu XL04A khó có khả năng hoàn thành đúng tiến độ do khối lượng công việc còn lại khá lớn.
Tính đến hết tháng 4/2023, nhà thầu đã bị trượt gần 54% so với tiến độ tổng thể. Bên cạnh lý do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giá nhiên, vật liệu tăng cao, việc đơn vị thi công chưa thực sự quyết tâm dồn lực để triển khai là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ gói thầu.
“Đối với một số nhà thầu không đáp ứng tiến độ, Ban QLDA sẽ thông báo về việc vi phạm hợp đồng, báo cáo Bộ GTVT để có biện pháp xử lý theo quy định”, ông Tân khẳng định.
Đốc thúc tháo gỡ dứt điểm vướng mắc
Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trong tổng số hơn 7.800 tỷ đồng vốn ODA phân bổ cho 30 dự án giao thông trong năm 2023, lũy kế khối lượng giải ngân đến nay đạt hơn 3.686 tỷ đồng, đạt hơn 47% kế hoạch vốn được giao.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), thời gian qua, Bộ GTVT thường xuyên đốc thúc các chủ đầu tư phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc với các hộ dân để sớm có mặt bằng thi công.
Riêng dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc, trước tiến độ yêu cầu rất cấp bách, Bộ GTVT đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp quan tâm, ưu tiên xem xét tách hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 100 ha rừng của dự án để thẩm định, hoàn tất các thủ tục đồng thời với quá trình các địa phương hoàn thiện hồ sơ, hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận