Theo hãng tin CNN, tháng 11/2022, Thị trưởng London - ông Sadiq Khan thông báo mở rộng Vùng Phát thải cực thấp (ULEZ) bao trùm các quận ngoài khu vực trung tâm, ngoại thành thành phố.
Thủ đô Anh vốn là thành phố đầu tiên trên thế giới thiết lập vùng ULEZ vào năm 2019.
Theo đó, ô tô và các phương tiện khác di chuyển qua khu vực này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hoặc phải trả phí. Vùng ULEZ tại London cũng từng được mở rộng vào năm 2021.
Theo quy định, ô tô chạy xăng đăng ký trước năm 2006 và ô tô chạy dầu diesel đăng ký trước tháng 10/2015 sẽ phải trả mức phí 12,5 bảng Anh (15,7 USD) mỗi ngày khi đi vào vùng ULEZ.
Tháng 11/2022, khi thông báo quyết định mở rộng vùng ULEZ, Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết: “Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô London vẫn còn trầm trọng, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của những công dân trẻ của thành phố và dẫn tới hàng nghìn ca tử vong sớm mỗi năm.
Mở rộng vùng ULEZ London đồng nghĩa có thêm 5 triệu người được hít thở không khí sạch và có cuộc sống khỏe mạnh hơn”.
Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng của London đã gây không ít tranh cãi, đến mức ảnh hưởng tới cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở Uxbridge - khu vực rìa phía tây thủ đô London.
Đảng Lao động của Thị trưởng Khan suýt thua trong cuộc cạnh tranh giành chiếc ghế thành viên hội đồng mà cựu Thủ tướng Đảng Bảo thủ Boris Johnson từng nắm giữ trước đó.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 8 năm nay, ông Khan thông báo mở rộng chương trình trợ cấp 2.000 bảng Anh (2.517 USD) cho mỗi công dân London sở hữu ô tô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn ULEZ để hỗ trợ trang trải các khoản phí khi đi vào khu vực này.
Bên cạnh việc thiết lập vùng ULEZ, Anh cũng là một trong những nước sớm áp dụng biện pháp thu phí tắc nghẽn vào năm 2003. Theo đó, ô tô, xe tải phải trả phí tắc nghẽn khi di chuyển vào khu vực trung tâm London vào ban ngày.
Một số thành phố khác trên thế giới đã áp dụng biện pháp thu phí tắc nghẽn để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông như tại thành phố Stockholm (Thụy Điển) áp dụng năm 2007, còn Singapore thực hiện từ năm 1975.
Thành phố New York cũng chuẩn bị áp dụng biện pháp tương tự. Vào tháng 6, Thống đốc bang New York - bà Kathy Hochul cho biết chính quyền TP New York sẽ bắt đầu thu phí đối với tài xế di chuyển vào khu Manhattan vào giờ cao điểm sớm nhất từ mùa xuân năm sau. Hiện giới chức New York đang đề xuất mức phí đối với phương tiện từ 9-23 USD trong giờ cao điểm.
Giới chức New York thông qua biện pháp trên với mục tiêu giảm ít nhất 10% số lượng phương tiện di chuyển vào khu vực tắc nghẽn mỗi ngày. Theo hãng tin CNN, giảm tắc nghẽn cũng đồng nghĩa giúp giảm phát thải carbon và các loại khí thải gây ô nhiễm khác.
Qua quyết định trên, TP New York sẽ trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ áp dụng phí tắc nghẽn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận