Cho phép thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư
Sáng nay (27/6), Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ với tỷ lệ tán thành cao. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN xung quanh các quy định tại Luật vừa mới được ban hành.
Xin ông cho biết Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua có gì khác biệt so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008?
Luật Đường bộ 2024 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh có sự thay đổi về căn cứ chính trị và pháp lý. Luật đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII, tập trung vào 3 đột phá chiến lược về thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Luật Đường bộ được xây dựng đồng thời Luật Trật tự, ATGT đường bộ để áp ứng các yêu cầu trong tình hình mới.
Luật Đường bộ còn phải giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ các hoạt động của lĩnh vực đường bộ; tăng cường phân cấp, ủy quyền; cải cách thủ tục hành chính, hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Với sứ mệnh của mình, Luật Đường bộ 2024 đã thể chế hóa và giải quyết được các yêu cầu nêu trên.
Đâu là điểm đột phá trong xây dựng Luật Đường bộ lần này?
Luật Đường bộ lần này dành riêng một chương quy định về cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc.
Theo đó, Luật quy định đầy đủ, bao quát về chính sách đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc; tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ theo quy mô quy hoạch. Từ đây tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Những điểm mới trong Luật Đường bộ lần là gì, thưa ông?
Luật Đường bộ được bổ sung nhiều quy định mới. Có thể kể đến như: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho UBND các tỉnh trong việc đầu tư, quản lý, xây dựng, khai thác, bảo trì đường bộ.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giao cho UBND cấp tỉnh quản lý một số tuyến quốc lộ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh, trên cơ sở khả năng bố trí nguồn lực của địa phương.
Đáng chú ý, Luật cho phép thu phí đối với các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, quản lý khai thác; thể chế hóa chủ trương mà Quốc hội đã quyết định tại Nghị quyết 52 năm 2017 khi quyết định chủ trương đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Luật Đường bộ cũng đưa ra yêu cầu khi đầu tư xây dựng đường cao tốc phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai đầu tư đồng bộ các công phụ trợ như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe…, đảm bảo mang đến các tiện ích đồng bộ cho người tham gia giao thông.
Tạo môi trường bình đẳng kinh doanh vận tải
Thanh toán điện tử là chủ trương đang được Chính phủ đẩy mạnh, những quy định nào được đưa ra để quá trình thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông được nhanh hơn?
Hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được đưa vào vận hành gần 4 năm qua, mang lại hiệu quả to lớn cho người tham gia giao thông và xã hội. Tuy vậy, cơ sở pháp lý mới chỉ dừng lại ở Quyết định 19/2020 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng của Thủ tướng Chính phủ và chỉ áp dụng cho dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ.
Trên thực tế, có nhiều dịch vụ thanh toán liên quan đến phương tiện như thanh toán bãi đỗ xe, ra vào sân bay, cảng biển… nên cần cơ sở pháp lý cho việc mở rộng dịch vụ thanh toán.
Vì vậy, Luật đã đưa ra quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, cho phép thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Trong quản lý vận tải thời gian qua vẫn còn tồn tại dai dẳng tình trạng xe hợp đồng trá hình, “xe dù bến cóc”, những quy định tại Luật Đường bộ giải quyết vấn đề này thế nào?
Thời gian qua Bộ GTVT đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc quản lý kinh doanh vận tải công bằng, minh bạch. Hiện nay, các quy định pháp luật đối với lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn luôn biến động và đòi hỏi cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa để giải quyết triệt để tình trạng xe trá hình, “xe dù bến cóc”.
Luật Đường bộ 2024 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, hướng tới quản lý hoạt động kinh doanh vận tải lành mạnh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mang đến dịch vụ vận tải tốt nhất cho người dân. Những doanh nghiệp kinh doanh đúng quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ tốt luôn được hoan nghênh và tạo mọi điều kiện, ngược lại những doanh nghiệp không chấp hành sẽ có các chế tài xử lý nghiêm vi phạm.
Như ông nói, Luật Đường bộ đã đưa ra nhiều quy định mới, cần làm gì để Luật đi vào thực tiễn cuộc sống?
Trước tiên cần làm tốt việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật.
Cục Đường bộ đang nghiên cứu trình Bộ GTVT chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Sơ bộ, sẽ có 7 Nghị định và hơn 10 thông tư hướng dẫn.
Có những văn bản QPPL sẽ phải ban hành để hướng dẫn một số điều của Luật có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 và các văn bản còn lại sẽ ban hành khi Luật có hiệu lực toàn bộ từ 1/1/2025.
Cùng đó, cần thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cục Đường bộ VN sẽ tham mưu cho Bộ GTVT để làm tốt công tác này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận