Xã hội

“Luật ngầm” vẫn tồn tại trên vỉa hè và lòng đường

10/04/2017, 07:08

Đòi lại vỉa hè cũng đồng nghĩa dọn sạch lợi ích bất hợp pháp tồn tại trên vỉa hè ấy...

10

Không ít những thúng hàng rong trên vỉa hè là nguồn sống của cả một gia đình - Ảnh: K.Linh

Cuộc chiến dành lại vỉa hè ở hai đô thị lớn nhất nước là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực. Vỉa hè đã thông thoáng hơn và người đi bộ đã có lối để đi nhưng câu chuyện luật ngầm trên vỉa hè vẫn tồn tại. 

"Đây không phải là chỗ để ai muốn ngồi thì ngồi"

Tôi đã từng chứng kiến một chị bán trà đá trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hôm ấy, quán khá đông khách, bỗng xuất hiện một thanh niên bặm trợn, đi xe máy tới và hất hàm hỏi chủ quán: “Mày bán ở đây đã hỏi ai chưa?”. Sau một hồi giải trình là xin phép chị nọ, anh kia, gã thanh niên kia mới “ừ” và nói thêm rằng “đây không phải là chỗ để ai muốn ngồi thì ngồi”.

Tuy thanh niên kia không phải là người trong bộ máy chính quyền, không phải là người có thẩm quyền, sao lại có quyền cai quản vỉa hè? Rõ ràng có “luật ngầm” đang tồn tại trên vỉa hè và lòng đường ở nhiều đô thị lớn.

Luật Giao thông đường bộ 2008 định nghĩa vỉa hè là một bộ phận của đường đô thị. Và vỉa hè chủ yếu dành để phục vụ cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Thế nhưng, các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, đất đai chật chội. Vì thế, vỉa hè, lòng lề đường quả là “tấc đất, tấc vàng” và đang là “chùm khế ngọt” mà không ít người, đã bằng cách này hay cách khác chiếm dụng để phục vụ lợi ích cho riêng mình: Quán cà phê, cửa hàng, quán ăn, quán trà đá chiếm dụng vỉa hè, lề đường để đỗ xe, kê thêm vài cái bàn hay vài cái ghế để khách ngồi. Thậm chí nhiều nơi, muốn được sử dụng vỉa hè, người sử dụng phải trả tiền “bảo kê” cho một thế lực nào đó.

TP.Hồ Chí Minh, bắt đầu từ quận 1. Hà Nội, bắt đầu từ quận Hoàn Kiếm rồi lan đến tất cả các quận, huyện khác cùng ra quân quyết liệt để giành lại vỉa hè.

Và đòi lại vỉa hè cũng đồng nghĩa dọn sạch lợi ích bất hợp pháp tồn tại trên vỉa hè ấy. Mà đối tượng bị thiệt hại, không chỉ lấy đi của những người mưu sinh hay kinh doanh trên vỉa hè, mà còn lấy đi cả “nhóm lợi ích” của một số người trong cơ quan công quyền.

Phải có quyết tâm chính trị

Tại TP.Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải đã hứa “không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. Tiếp đó là Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân-bà Trương Thị Minh Tín, cũng đã hứa “đến cuối năm nếu không giành lại được vỉa hè sẽ từ chức”.

Sự quyết tâm chính trị đó cho thấy việc giành lại vỉa hè là không hề đơn giản. Rõ ràng để làm được, đó là sự dũng cảm. Quả thực, với những người buôn thúng, bán bưng, như bán xôi, bán trà đá, bán hoa, gánh hàng rong… vỉa hè là nguồn sống, là mâm cơm của gia đình họ. Đụng đến những người nghèo, quả thực không chỉ khó xử về lý, mà còn lấn cấn cả về tình.

Và sự trăn trở của ông Nguyễn Quốc Thái, Phó chủ tịch UBND quận Tân Phú (TP.HCM), là rất đáng lưu tâm: “Đằng sau gánh hàng rong là cả một nguồn nuôi sống của gia đình”. Vì vậy, trong quá trình lập lại trật tự lòng lề đường, cũng phải sắp xếp, tạo điều kiện cho bà con buôn bán.

Và để giúp những người nghèo mưu sinh, TP.HCM đã xây dựng phương án chuyển đổi nghề hoặc tổ chức các “phố hàng rong” giúp người dân buôn bán lấn chiếm vỉa hè hiện nay có nơi kinh doanh hợp pháp. Tại Hà Nội, quận Thanh Xuân cũng đã bố trí một phần diện tích chợ Thanh Xuân Bắc cho người bán hàng rong kinh doanh kèm theo hình thức hỗ trợ không thu phí trong 3 tháng đầu.

Tôi nghĩ rằng, giải pháp này cần được nhân rộng và được chính quyền các quận, huyện khác ở TP.HCM và Hà Nội xem xét áp dụng để hỗ trợ những người bán hàng rong cũng như cư dân đô thị nghèo mưu sinh.

Vì lợi ích số đông

Trong chiến dịch giành lại vỉa hè vừa qua đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân. Tuy nhiên, không phải không có những băn khoăn, đó là phải làm sao để đảm bảo sự khách quan và công bằng.

Và để người dân tâm phục, khẩu phục, nhất thiết các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm chính trị thực sự, tránh nể nang hay để một “nhóm lợi ích” nào đó trục lợi bất hợp pháp trên vỉa hè. Có như vậy mới đảm bảo minh bạch, công bằng. Còn nếu không, việc ra quân ồn ào theo kiểu chiến dịch xong rồi lại bỏ đó, nơi dẹp nơi không, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”, “đầu voi đuôi chuột” và khiến dân không phục.

Không một chính sách nào có thể làm hài lòng, thỏa mãn tất cả mọi người, nhưng quyền lợi của số đông cần phải được ưu tiên lựa chọn trong chính sách ấy. Thay đổi cái cũ lạc hậu, cố hữu, là điều rất khó, nhưng nên làm. Và tôi ủng hộ quyết tâm của chính quyền TP.HCM cũng như Hà Nội trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Văn Duẩn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.