Pháp đình

Luật sư đưa ra chứng cứ gì để "gỡ tội" cho nguyên TGĐ PVN?

12/01/2018, 16:16

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực đưa ra nhiều luận cứ để gỡ tội cho thân chủ của mình.

bi-cao-phung-dinh-thuc

Bị cáo Phùng Đình Thực tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án PVC

Tiếp tục phần bào chữa của các luật sư dành cho các bị cáo trong vụ án xảy ra tại PVC, chiều 12/1, luật sư của bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên TGĐ Tập đoàn PVN đã đưa ra nhiều luận cứ nhằm bào chữa cho thân chủ của mình. 

Không biết hợp đồng 33 thiếu căn cứ pháp lý

Luật sư Đinh Anh Tuấn chia sẻ ông có cảm giác thất vọng sau khi nghe bản luận tội của đại diện VKS, bởi theo ông, những diễn biến tại phiên toà hầu như không được phản ánh trong lời luận tội; tất cả sự nỗ lực của bị cáo Phùng Đình Thực khi trả lời các câu hỏi đặt ra tại phiên toà chỉ khiến phía công tố đi đến nhận định bị cáo Thực “khai báo không thành khẩn”, “đổ lỗi cho cấp dưới”.

Lời luận tội tại toà của đại diện VKS nêu ngắn gọn bị cáo Phùng Đình Thực biết rõ PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn cùng bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo ký hợp đồng số 33 để cho PVC làm tổng thầu và sau đó chỉ đạo cấp vốn cho PVC trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Về việc bị cáo Phùng Đình Thực có biết hợp đồng 33 thiếu căn cứ pháp lý hay không, luật sư Đinh Anh Tuấn đặt ra hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là bị cáo Thực kết hợp với bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng 33 theo kiểu hình thức, chỉ nhằm mục đích khởi công Dự án, còn các căn cứ pháp lý và các điều khoản nội dung không có cũng không sao.

Trường hợp thứ hai, bị cáo Thực không chỉ đạo ký một hợp đồng như vậy, nhưng sau đó thì có biết cấp dưới đã trót làm sao rồi nhưng không có chỉ đạo khắc phục mà vẫn chỉ đạo thực hiện hợp đồng này.

Về trường hợp thứ nhất, luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định trong hồ sơ vụ án hoàn toàn không có một tài liệu nào cho phép nhận định bị cáo Phùng Đình Thực đã tự chỉ đạo, hoặc kết hợp với bị cáo Đinh La Thăng cùng chỉ đạo hai đơn vị thành viên PVC và PVPower ký một hợp đồng chỉ đạt yêu cầu về hình thức và chỉ nhằm mục đích kịp để khởi công Dự án.

Về trường hợp thứ hai, luật sư cho biết trong quãng thời gian từ 28/2/2011 đến ngày 16/6/2011 (là ngày ông Thực được cấp dưới báo cáo rõ hợp đồng 33 có nhiều vấn đề quan trọng), thời gian này có nhiều văn bản chuyển đến ông Thực, nhưng qua các tài liệu chứng cứ đã giao nộp cho HĐXX, phần lớn các tài liêu đó không chuyển đến tay ông Thực. Quan trọng hơn, qua nghiên cứu các tài liệu đề gửi ông Phùng Đình Thực đều thấy các tài liệu đó chỉ nêu rằng Hợp đồng 33 đang được “rà soát”, “hiệu chỉnh”, “bổ sung”, hoàn toàn không có tài liệu nào nêu rõ hợp đồng 33 thiếu căn cứu pháp lý và chưa có hiệu lực thi hành, cần được thanh lý và ký kết một hợp đồng mới.

Về lời khai của ông Vũ Huy Quang (nguyên TGĐ PVPower) về việc ông Quang đã báo cáo Hợp đồng 33 không đủ điều kiện pháp lý và chưa có hiệu lực thi hành, nhưng theo luật sư Tuấn, lời khai này khác với lời khai của 4 bị cáo: Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn. “Ở đây không thể lấy số đông áp đảo vấn đề nhưng phải phân tích, đánh giá xem lời khai của phía nào phù hợp” – luật sư Tuấn nói.

“Cấp trên chỉ đạo đúng, cấp dưới thực hiện sai”

Luật sư Tuấn tiếp tục đưa ra luận cứ, Thông báo kết luận cuộc họp ngày 31/3/2011 hoàn toàn không thấy nêu ý kiến của ông Quang về hợp đồng 33 có lỗi nghiêm trọng, không thể thực hiện và cần phải thanh lý.

Văn bản này chỉ ghi nhận PVC và PVPower đã “báo cáo tình hình triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2”, trong đó, ông Đinh La Thăng khi ấy là Chủ tịch đã chỉ đạo phải rà soát và ký lại hợp đồng EPC giữa PVN và PVC. Bản chất của chỉ đạo này là việc chuyển thể hợp đồng EPC được thực hiện theo phương án PVC và PVPower thanh lý hợp đồng 33 và sau đó, PVN ký lại hợp đồng mới với PVC.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Thực cho biết qua trao đổi, thân chủ của ông cho rằng bị cáo và nhiều người dự họp khi đó hiểu bản chất này, tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện sau đó, cấp dưới của ông Thăng đã chọn phương án giữ nguyên giá trị pháp lý của hợp đồng 33, chỉ ký thêm một hợp đồng chuyển đổi chủ thể 3 bên, và coi đây là một phần không tách rời của hợp đồng 33.

Luật sư Tuấn khẳng định, ông Thăng chỉ đạo như vậy không phải nhằm khắc phục những sai phạm pháp lý của Hợp đồng số 33 vì nhiều lý do, trong đó có lý do tuy ông Vũ Huy Quang khai đã báo cáo hợp đồng 33 không có giá trị pháp lý, nhưng rất nhiều tài liệu PVPower ban hành trong thời gian này không phù hợp với lời khai của ông Quang.

Bên cạnh đó, sau ngày 31/3/2011, PVPower cũng không có văn bản nào báo cáo về việc thanh ký hợp đồng số 33....

Luật sư cũng đưa ra quan điểm chứng minh bị cáo Phùng Đình Thực không cố ý làm trái khi uỷ quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng số 4194.

Theo đó, điểm mấu chốt là nếu ông Thực biết hợp đồng 33 chưa đủ các căn cứ pháp lý, chưa có hiệu lực thi hành mà vẫn yêu cầu chuyển đổi chủ thể để thực hiện hợp đồng EPC thì ông Thực sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi Cố ý làm trái. Nhưng hồ sơ vụ án cho thấy ông Thực hoàn toàn không biết hợp đồng 33 chưa đủ căn cứ pháp lý và hiệu lực thi hành, vì vậy, hành vi của ông Thực uỷ quyền cho Phó TGĐ đàm phán và ký chuyển đổi chủ thể không cấu thành tội “cố ý làm trái”.

Qua đó, luật sư Đinh Anh Tuấn kiến nghị đại diện VKS “tranh luận đến cùng” với những phát biểu của ông, trên cơ sở nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội. Trên cơ sở đánh giá các tài liệu chứng cứ, luật sư kính đề nghị HĐXX tuyên bố không đủ căn cứ kết luận bị cáo Thực có hành vi cấu thành tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.