Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo về đánh giá rủi ro phòng chống rửa tiền được ông Phạm Gia Bảo, Phó cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 17/5.
Nói về nguy cơ rửa tiền đối với các tội phạm có nguồn gốc trong nước, ông Bảo cho biết, số lượng các vụ án và bị cáo bị xét xử về tội tổ chức đánh bạc tuy có thấp hơn tội đánh bạc (năm 2017 xét xử là 3.665 vụ đánh bạc với 20.162 bị cáo và 494 vụ tổ chức đánh bạc với 1771 bị cáo), con số này vẫn là đáng kể so với các loại tội phạm nguồn khác của tội rửa tiền.
Mặc dù số tiền thu được từ hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc tính trung bình trên đối tượng phạm tội không cao và tội phạm có xu hướng sử dụng các khoản tiền thu được vào mục đích tiêu dùng cá nhân, song trong các vụ án lớn về tổ chức đánh bạc số tiền niêm phong, phong tỏa, tịch thu và thu hồi là rất lớn nên không loại trừ việc các đối tượng phạm tội có xu hướng sử dụng các khoản tiền thu được từ loại tội phạm này vào mục đích đầu tư, rửa tiền.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống rửa tiền, Cục Phòng, chống rửa tiền đã chuyển sang cơ quan công an để điều tra 2 vụ việc (năm 2014 và 2015) nghi ngờ liên quan đến tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
Liên quan đến vụ đường dây đánh bạc qua mạng trị giá hàng nghìn tỷ đồng trong vụ Phan Sào Nam được dư luận đặc biệt quan tâm hiện đang trong quá trình điều tra của Bộ Công an. Lãnh đạo Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết đã phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng, cung cấp các thông tin tình báo tài chính theo yêu cầu của cơ quan công an, phục vụ công tác điều tra tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tội rửa tiền.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đánh giá nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền có nguồn gốc từ tội đánh bạc là trung bình cao; Nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền có nguồn gốc từ tội tổ chức đánh bạc là cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận