Tuy nhiên, việc mỗi nơi kiểm dịch một kiểu khiến luồng xanh đường thủy chưa thể “thông” để phát huy hết lợi thế loại hình vận tải khối lượng lớn, giá rẻ này.
Mỗi nơi kiểm dịch một kiểu
Mới đây, khi tàu vào lấy hàng tại bến đá Antraco (huyện Tri Tôn, An Giang), chị Ngọc Thúy và thuyền viên trên tàu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 do Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới cấp một ngày trước đó.
Giấy xét nghiệm vẫn trong thời hạn 72 giờ theo quy định chung ở nhiều nơi nhưng bến thủy này không chấp nhận mà yêu cầu phải có giấy xét nghiệm trong vòng 24 giờ mới cho nhận hàng. Vì thế, thuyền viên buộc phải thực hiện xét nghiệm lại tại chỗ.
Hệ thống luồng xanh đường thủy chưa thực sự thông suốt do yêu cầu chống dịch tại mỗi địa phương không thống nhất (Trong ảnh: Tuyến giao thông thủy kênh Chợ Gạo)
“Khổ không tả nổi. Tàu không hàng hay có hàng, thuyền viên cũng phải test lại sau 24 giờ. Hết dịch chắc lỗ mũi trổ sang lỗ tai luôn”, chị Thúy than và cho biết thêm, nếu xét nghiệm một người giá 270 nghìn đồng, còn 4 người là 240 nghìn đồng.
Không riêng bến trên, một số thuyền viên khác cho biết, các bến thủy ở xã Mỹ Lương Trà (Tri Tôn, An Giang) cũng chỉ chấp nhận giấy xét nghiệm y tế Covid-19 có thời hạn 24 giờ dẫn đến mất thêm nhiều thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, các tàu chở hàng không phải là lúa, nông sản, rau củ khi lưu thông trên các tuyến đường thủy quốc gia qua An Giang, dù thuyền viên có giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn cũng không được chạy ban đêm.
Theo các thuyền viên, hiện nhiều tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 nên có nhiều chốt kiểm dịch trên các tuyến sông quốc gia và cả địa phương. Tuy nhiên, yêu cầu và điều kiện mỗi nơi lại khác nhau nên việc lưu thông rất khó khăn.
Cũng theo phản ánh, phương tiện thủy từ tỉnh ngoài vào địa bàn Cà Mau, dù thuyền viên có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong thời hạn 3 ngày, xét nghiệm nhanh hay PCR cũng phải xét nghiệm lại.
“Ghe tàu đi suốt trên sông, đến cảng bến cũng rất hạn chế tiếp xúc để phòng dịch. Có chỗ đến trạm kiểm dịch phải đi chung đò để lên bờ làm xét nghiệm, rất sợ bị lây nhiễm”, thuyền viên Út Bình nói.
Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV xác nhận, hiện yêu cầu kiểm soát dịch đối với phương tiện thủy ở các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội không thống nhất.
Đây là nguyên nhân khiến vận tải thủy không thông suốt. Đặc biệt, tại Cà Mau, ngày 15/8, địa phương này có văn bản yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện và người theo phương tiện vận chuyển hàng hóa khi vào địa bàn tỉnh qua các chốt kiểm soát phải được test nhanh, kể cả trường hợp đã có giấy chứng nhận kết quả test hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An cũng cho biết, trên địa bàn hiện có xã yêu cầu giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 nhưng có xã lại yêu cầu xét nghiệm PCR, gây bất lợi cho phương tiện thủy thu mua nông sản.
Theo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV và III, hiện rất nhiều cảng, bến và phương tiện thủy phía Nam tạm dừng. Cụ thể, trong gần 1.800 cảng, bến mà Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV quản lý, có hơn 95% dừng hoạt động; còn trong số hơn 1.100 cảng, bến khu vực III quản lý, con số này là hơn 81%.
Luồng xanh vẫn chờ khơi thông
Còn nhớ, trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương, Bộ GTVT ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức các loại hình vận tải, trong đó không hạn chế vận tải hàng hóa bằng đường thủy nhằm vừa chống dịch hiệu quả và đảm bảo cung ứng hàng hóa.
Mới đây nhất, Bộ GTVT có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN vận chuyển hàng hóa trên đường thủy để tránh đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân; kết hợp phòng, chống dịch hiệu quả.
Bộ GTVT cho biết, vận tải thủy có ưu điểm vượt trội so với các loại hình vận tải khác vì giá cước thấp, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng.
Đồng thời, trong việc ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở nước ta hiện nay, vận tải hàng hóa đường thủy càng thể hiện được ưu điểm do ít tiếp xúc với cộng đồng dân cư.
“Bộ GTVT luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Vì vậy, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa”, Bộ GTVT nêu.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho biết, phương tiện thủy vận tải hàng đều biệt lập với nhau, trên hành trình lưu thông không đậu đỗ để dừng lại, lên bờ để thuyền viên tiếp xúc với dân cư trên bờ.
Khi vào cảng bến cũng hạn chế tiếp xúc giữa người trên phương tiện và cảng bến nên phòng dịch không phức tạp như đường bộ.
“Giao thông đường thủy có sẵn ưu thế “luồng xanh” để vận tải và phòng chống dịch Covid-19. Phần lớn thuyền viên cũng tự giác phòng ngừa nhiễm dịch, vì vậy các địa phương cần hướng dẫn, tổ chức kiểm soát phòng dịch thống nhất theo quy định của Bộ Y tế tại cảng, bến thay hạn chế lưu thông, kiểm tra trên đường như hiện nay”, ông Liêm nói.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết đang phối hợp với Cục Đường thủy nội địa VN xây dựng dự thảo quy trình vận tải thủy để hướng dẫn vận tải thủy thống nhất trên hệ thống đường thủy, đảm bảo không đứt gãy cung ứng hàng hóa trong mùa dịch Covid-19.
Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, quy định thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính 72 giờ (3 ngày) không phù hợp với vận tải thủy. Đặc thù của vận tải thủy là có thời gian vận chuyển từ khi rời cảng, bến xuất phát đến khi cập cảng, bến đích thường hơn 3 ngày, khiến phương tiện không được vào cảng, bến để xếp, dỡ hàng hóa. Trong khi đó, nhiều nơi chưa bố trí được điểm test nhanh y tế tại chỗ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận