Trốn thuế có thể bị phạt tù đến 7 năm
Trước thực trạng trên, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoà khuyến cáo những rủi ro có thể xảy ra.
Theo vị luật sư, giao dịch mua bán nhà đất là hợp đồng mua bán dân sự, phần lớn được thực hiện bằng tiền mặt trao tay cho nên nên các cơ quan chức năng khó có thể xác định rõ sự chênh lệch giữa giá mua bán thực tế với giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng (nếu có).
Điều đó tạo ra kẽ hở khiến một số người cố tình khai thấp giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng để giảm bớt tiền thuế phí phải nộp theo nghĩa vụ tài chính.
Khai sai giá trị mua bán bất động sản có thể xảy ra nhiều rủi ro
Cụ thể, bên bán thường sẽ đề nghị bên mua chỉ kê khai một mức giá tượng trưng trong hợp đồng chuyển nhượng để làm cơ sở tính thuế. Trong khi số tiền thanh toán thực tế mà bên mua trả cho bên bán lớn hơn gấp nhiều lần. Thỏa thuận này chủ yếu dựa trên lòng tin giữa các bên, nếu có cũng chỉ là soạn thảo thành hợp đồng không công chứng. Do đó dẫn đến nhiều rủi ro như, bị truy thu, xử phạt, nặng hơn là xử lý hình sự.
Luật sư Tùng cho biết, Luật Quản lý thuế quy định rõ việc người nộp thuế có nghĩa vụ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế… Điều đó có nghĩa, khi người bán và người mua cố tình kê khai giá “ảo” trong hợp đồng chuyển nhượng để né thuế thì hành vi đó là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà khi bị cơ quan chức năng phát hiện có thể sẽ tiến hành truy thu, xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định tại điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
Tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng – dưới 300 triệu đồng sẽ bị xử lý bằng hình thức phạt tiền từ 100 triệu đồng – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm; trốn thuế từ 300 triệu đồng – dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng – 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm – 3 năm; trốn thuế từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng – 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm – 7 năm.
Ngoài ra còn bị toà tuyên hợp đồng bị vô hiệu, khi phát hiện người dân kê khai vào hợp đồng mua bán công chứng với giá thấp hơn thực tế thanh toán. Khi đó, thiệt hại nhiều nhất sẽ nghiêng về phía người mua. Không loại trừ trường hợp người mua không được hoàn trả đúng số tiền thực tế đã thanh toán cho người bán mà chỉ nhận được số tiền tượng trưng ghi trong hợp đồng (do không có bằng chứng chứng minh khoảng chênh lệch giữa số tiền ghi trên hợp đồng và số tiền thực tế đã trả).
Không những thế, hành vi trốn thuế, khai sai giá trị hợp đồng còn liên đới đến trách nhiệm công chứng viên.
Theo vị luật sư, trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất, hợp đồng chỉ đảm bảo tính pháp lý khi được công chứng thay vì giấy tay. Khi đó, nếu công chứng viên biết khách hàng kê khai không đúng giá trị mua bán mà vẫn công chứng hợp đồng mua bán là sai, phải liên đới chịu trách nhiệm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cách tính thuế giao dịch bất động sản
Luật sư cũng cho biết, khi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất, người dân sẽ phải nộp thuế TNCN (trừ trường hợp được miễn đóng thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật), được tính theo công thức như sau:
Thuế thu nhập cá nhân = Giá chuyển nhượng x 2%
Trong đó, 2% là thuế suất còn giá trị chuyển nhượng là con số thỏa thuận mua bán được ghi trong hợp đồng có công chứng (theo Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Ví dụ, ông A bán một mảnh đất với giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng là 600 triệu đồng, thì tiền thuế TNCN mà ông A phải nộp được tính bằng 600.000.000 x 2% = 12.000.000 đồng.
Thông thường, bên chuyển nhượng/bán nhà đất sẽ là người có nghĩa vụ nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, pháp luật cũng không cấm việc các bên thỏa thuận với nhau và thống nhất việc bên nhận chuyển nhượng/mua nhà đất sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế giá trị hợp đồng thường hay bị khai sai nhằm trốn thuế, phí.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm đến nay, các chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh này đã trả lại và yêu cầu điều chỉnh nâng giá đúng với thực tế giao dịch đối với hàng trăm hồ sơ nhà đất. Cụ thể, có tới 473 hồ sơ đã được người nộp thuế tự điều chỉnh giá giao dịch phù hợp, tăng thu thuế nộp ngân sách được hơn 2,1 tỷ đồng.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng. Cụ thể, liên quan đến giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian 15 ngày đầu tháng 1 năm nay, qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại, thu thuế đã tăng 222 tỷ đồng. Vì vậy thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án bất động sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận